Hai cuộc cách mạng 1789 và 1848 đã làm thay đổi nền giáo dục ở Pháp. Đây cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Âu đặt chính sách giáo dục tách ra khỏi ảnh hưởng của Giáo hội. Trường học không phải nơi truyền bá tôn giáo và mọi định kiến tư tưởng. Học sinh tự nhận thức trong quá trình đào tạo. Trường học đề cao vấn đề tôn trọng sự đa dạng tư tưởng, nhưng tất cả phải vì mục đích “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Đó chính là 3 điểm ghi ngay trong điều mục đầu tiên của Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp.
Trường học tất cả các cấp từ mẫu giáo đến hết trung học đều miễn phí, trừ trường tư nhân. Sách giáo khoa cho mượn, cuối năm trả lại. Do sự đa dạng sách giáo khoa nên việc lựa chọn phải do một hội đồng của trường duyệt mua. Hàng năm, sách rách, cũ sẽ thu hồi. Để tránh lãng phí, đôi khi trường cung cấp cho đại lý sách cũ ủng hộ các cơ sở từ thiện bán lại với giá chỉ vài xu, bất kỳ học sinh nào cũng có thể mua để ôn tập trong dịp hè.
Ở Pháp, học sinh tốt nghiệp THPT đều có thể vào đại học với chính sách hỗ trợ cho vay của ngân hàng với lãi suất rất thấp để trả học phí. Tốt nghiệp xong, khi xin được việc mới bắt đầu trả. Thất nghiệp, phải có chứng nhận của trung tâm thất nghiệp. Ngân hàng còn có chính sách khuyến khích học sinh giỏi. Tốt nghiệp loại khá, giỏi sẽ được ngân hàng thưởng hậu hĩnh.
Đối với học sinh tiểu học, để tạo sự công bằng trong xã hội, thầy cô không biết được việc đóng tiền ăn của trẻ. Lên Trung học cơ sở, tiền ăn nộp ở Tòa thị chính, đóng theo thu nhập gia đình dựa trên giấy khai thuế. Cao nhất khoảng 5 euros/bữa, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đóng thấp hơn nhiều, thậm chí được miễn phí. Từ bậc Trung học phổ thông có ban quản lý nhà trường, thu tiền cũng theo thu nhập và nhà có hai con đi học cùng trường được giảm 20%. Thầy cô giáo không can thiệp vào việc nộp tiền ăn, chỉ chuyên tâm vào nghiệp vụ. Học sinh kém cần phụ đạo cũng được tổ chức ở trường, không phải đóng thêm tiền. Sổ liên lạc là thông tin quan trọng giữa gia đình và nhà trường. Mọi kiến nghị với thầy cô đều viết vào sổ, nếu không giải quyết được mới gặp phụ trách cao hơn.
Trường đại học có chuẩn cao nhất là Trường Đại học Sư phạm, gọi là Trường Bình dân cao cấp (Ecole Normale Supérieure), chuyên đào tạo những giáo viên tương lai. Sinh viên nào đậu vào Trường Đại học Sư phạm rất tự hào. Để đứng lớp ở các trường công đều phải có bằng Sư phạm, nhằm bổ túc kiến thức, kỹ năng sư phạm cho những người không học hệ sư phạm nhưng muốn trở thành giáo viên ở các cấp, kể cả hệ mẫu giáo. Giấy giới thiệu sinh viên của các giáo sư Trường Đại học Sư phạm ký không cần đóng dấu. Người ta tin vào đạo đức của người thầy. Nếu nghi ngờ giấy giả, chỉ cần kiểm tra trên mạng hoặc “cú” điện thoại chứ cũng không cần cầu kỳ.
Thư viện, bảo tàng ở Pháp đều tham gia đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Nơi đây chính là trường học, cung cấp kiến thức cho học sinh và miễn phí cho học sinh dưới 17 tuổi.
Nhiều trường học của Pháp cũng đã trở thành di sản văn hóa như Trường trung học và dự bị Henri IV, nơi Nhà triết học Trần Đức Thảo của Việt Nam theo học, nằm gần trường Đại học Sorbonne nổi tiếng. Cách đấy không xa là cung điện Panthéon, nơi yên nghỉ của các vĩ nhân Pháp.
Hằng năm, vào trung tuần tháng 9, có hai ngày cuối tuần, tất cả các nơi thuộc về di sản văn hóa đều mở cửa miễn phí. Mọi người không phân biệt đẳng cấp đều được hưởng văn minh, công trình văn hóa của đất nước.
Giáo dục và văn hóa luôn được đề cao ở Pháp. Đây cũng là hai lĩnh vực nhận được sự ưu tiên đầu tư của Chính phủ.
Theo: TRẦN THU DUNG – Báo văn hóa