Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, bên cạnh những bước phát triển đáng tự hào, Hà Nội cũng đứng trước nhiều nguy cơ mai một văn hóa bản sắc, mà văn hóa ngôn ngữ cũng chính là một nỗi lo ngại: liệu tiếng Hà Nội có còn được gìn giữ và phát huy đúng với vai trò hạt nhân, cơ sở quan trọng của tiếng Việt chuẩn không?
Có thể nói, tiếng Hà Nội chỉ là tiếng Việt thuần túy muôn đời của dân tộc, nhưng được tạo thành bởi văn hóa, bởi cốt cách con người nơi đây, như chính câu ca dao từ xưa đã mô phỏng: “Người thanh nói tiếng cũng thanh”. Người Tràng An thanh lịch là thế, cho nên lời họ nói ra nghe sao mà êm tai, mà cuốn hút đến vậy, cuốn hút bởi chính sự thanh nhã, và tế nhị.
“Mê anh chẳng phải mê tiền,
Thấy anh ăn nói có duyên dịu dàng”
Quả thật, ngôn ngữ nói chung hay tiếng nói nói riêng, không chỉ là công cụ quan trọng để biểu đạt tư duy, tình cảm của con người mà thông qua tiếng nói, còn có thể nhận diện được trình độ văn hóa, thang bậc trí tuệ của người nói. Chẳng thế mà có những chàng trai si mê người con gái Hà Nội chỉ vì giọng nói, và cũng có những người con gái ngưỡng mộ người đàn ông chỉ từ giọng nói. Điểm nhận dạng đầu tiên của văn hóa ngôn ngữ đất kinh kỳ chính là sự nhã nhặn, khiêm tốn, thể hiện qua những lời như “ cảm ơn”, “cảm phiền”, “đa tạ”, “xin lỗi”, “không dám”,… luôn thường trực ở cửa miệng. Tiếp theo, tiếng Hà Nội chính là sự chọn lọc ngôn từ, câu chữ trong từng lời nói, đúng như các cụ xưa vẫn dạy:
“Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”
Trong muôn vàn cách biểu đạt một vấn đề, bao giờ người Tràng An cũng lựa chọn cách nói sao cho khiêm nhường khiến người nghe vừa lòng nhất, từ cách thể hiện cho đến từ ngữ. Chẳng hạn, dân Kẻ Chợ sẽ chẳng bao giờ nói câu chỏng lỏn dạng “Mua gì?” mà thay vào đó sẽ là câu nói nhã nhặn, lịch sự, có trên có dưới, ví dụ: “Ông có muốn xem những mặt hàng mới về không ạ?” hoặc “Em muốn tìm mua gì để chị chỉ cho em nhé!” hay “Bác mua giúp em chỗ quả này nhé!”,… Ngoài ra, văn hóa ngôn ngữ Hà Nội còn đặc trưng bởi ngôn từ tế nhị, người Tràng An không bao giờ sử dụng những từ được cho là dung tục mà phải tìm từ thay thế, ví như “nhà vệ sinh” sẽ được nói là “Nhà sau”, “đồ ăn” sẽ được gọi là “thức ăn”, nhất là tên các bộ phận sinh dục càng được thay thế bởi những từ ngữ thanh không dung tục. Đặc biệt, người Hà Nội không bao giờ chửi tục mà luôn tìm cách kiềm chế cơn nóng giận để ôn hòa trao đổi với nhau, giải quyết mâu thuẫn một cách thấu tình đạt lý.
Vậy nên người ta mới nhận định rằng “Ngọt lịm như tiếng Thủ Đô”. Góp phần vào nhận định đó còn phải kể đến cả chất giọng của người Tràng An, mà theo NSND Doãn Châu: “Tiếng nói người Hà Nội không lên bổng, xuống trầm một quãng rộng trong một câu nói. Nếu vẽ đồ thị cho mỗi câu nói thì nếu đồ thị của câu nói là 10, người Hà Nội chỉ nói ở quãng từ 5 tới 7, mà không nói từ 2 rồi lên 9, 10 rồi lại xuống 1, 2...”. Sự nhẹ nhàng ấy theo GS.TS Trần Trí Dõi, Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, là do người Hà Nội bỏ qua những phụ âm nặng, tất cả phụ âm nặng đều được nói nhẹ như hơi thở, cho nên, giọng nói của người Tràng An, đặc biệt là phụ nữ, luôn êm ái, dịu nhẹ, mà tình cảm; còn giọng của đàn ông thì trầm ấm. Nếu tìm kiếm đâu đó trong lòng thủ đô ngàn năm, chắc chắn vẫn còn tồn tại “tiếng Hà Nội gốc”, với cách nói thanh nhã trong chất giọng sang quý, nhả chữ tròn vành rõ ràng, không có sự luyến láy hay lên giọng ở cuối câu, cũng không có sự nhấn nhá, hay kéo rê, không bao giờ có âm thừa...
“Tiên học Lễ, hậu học Văn”, do vậy, người Hà Nội đặc biệt chú trọng tôn ti trật tự, luôn thể hiện sự tôn trọng đối với người đối thoại; cung cách, cử chỉ, điệu bộ đều toát lên sự lịch thiệp, nho nhã mà không kém phần gần gũi, cởi mở cùng sự chân thành, nhưng lại vẫn chứa đựng nét cao sang khiến đối phương nể trọng. Tuy thân mật nhưng không suồng sã; tuy giản đơn, chân phương nhưng đơn điệu, thô lỗ; tuy lễ phép, chừng mực nhưng không khúm núm; tuy lịch sự nhưng không khách sáo; tuy cầu kỳ nhưng không rườm rà; tuy cởi mở nhưng không quên phép tắc;… tất cả những điều này đều quyết định bởi con người nơi tao nhân mặc khách, chắt lọc tinh hoa từ khắp mọi vùng miền để tạo nên những gì tinh túy nhất, những phẩm chất cao quý trên kinh thành Thăng Long và cũng chính những điều này đã làm nên văn hóa ngôn ngữ của mảnh đất kinh kỳ “Lời nói là gói vàng”.
Đẹp đẽ, đáng quý là vậy nhưng không thể phủ nhận văn hóa ngôn ngữ Hà Nội nói chung và tiếng Hà Nội hiện đại nói riêng cũng đang là vấn đề đáng quan ngại khi giới trẻ dễ dàng tiếp thu những từ ngữ không phù hợp thuần phong mỹ tục, lễ nghi, truyền thống, phép tắc của người Tràng An. Không ít người Hà Nội giờ đây không còn nói “giọng chuẩn mực” nữa, họ buông thả trong câu chữ cũng như cách diễn đạt, họ dễ dãi khi phá vỡ tôn ti trật tự trong giao tiếp, thậm chí họ còn không thể phát âm chuẩn các từ Tiếng Việt. Thật là một thực tế đáng buồn, do vậy, cần lắm những hoạt động thiết thực, thậm chí là biện pháp tích cực để giáo dục ý thức cộng đồng để từ đó mỗi cá nhân tự điều chỉnh lời nói, hành vi của mình quay về quỹ đạo vốn có trong văn hóa ngôn ngữ của người Hà Thành. Văn hóa ấy cũng như các loại hình văn hóa phi vật thể khác, chính là di sản văn hóa tinh thần của người Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung, do vậy, hãy cùng chung tay bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong văn hóa ngôn ngữ của người Hà Nội, đồng thời, góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.