Ngôn ngữ mạng hiện đang được sử dụng phổ biến, trong trường học, ngoài đường phố, thậm chí cả trong công sở. Có thể nói, ngôn ngữ từ mạng xã hội được tạo nên và phát triển mạnh nhất bởi giới trẻ. Có không ít điều lý thú, nhưng cũng ẩn chứa những mầm mống gây biến dạng ngôn ngữ Việt.
Với một nhóm xã hội nhất định, nhất là nhóm người trẻ, ngôn ngữ mạng đem lại sự thú vị nhất định. Người ta có thể sử dụng các con số thay cho chữ cái, như viết "6677028" để chuyển thông điệp "xấu xấu bẩn bẩn không ai tán", dùng dãy số "08081508" để nói "không tắm không tắm, một năm không tắm". Đôi lúc, người viết chọn cách "nói" chệch khỏi nguyên tắc, cố tình thay "b" bằng "p", bỏ dấu thanh, chẳng hạn như "em pé nhưng cái suy ngj nó lớn lém anh ơy" (em bé nhưng cái suy nghĩ nó lớn lắm anh ơi)…
Theo các nhà nghiên cứu, ngôn ngữ mạng ở Việt Nam là biến thể thiếu chuẩn mực của tiếng Việt - cả ở bình diện ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tuy nhiên, ngoài những trường hợp "bất tuân quy tắc", nhiều khi ngôn ngữ mạng không chệch khỏi quy luật ngôn ngữ. Ví dụ, người ta viết "k" thay "c" vì âm "cờ" có thể đọc như "k", "q". Theo các chuyên gia, ngôn ngữ mạng thiên về khẩu ngữ, là ngôn ngữ nói được thể hiện dưới dạng viết. Nó không chỉ được đơn giản hóa, từ cấu trúc ngữ pháp đến từ ngữ, để bảo đảm tính nhanh gọn mà còn sử dụng các ký hiệu, biểu tượng một mặt để biểu đạt thông tin, làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động. Ngôn ngữ mạng mang tính cởi mở bởi nó là ngôn ngữ của giới trẻ với tâm lý muốn cách tân, tạo ra trào lưu mới và muốn khẳng định bản thân, bởi thế mang tính khôi hài và đôi khi có phần dung tục.
Nhìn từ góc độ chuẩn hóa tiếng Việt thì sự phản đối ngôn ngữ mạng là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ xã hội của ngôn ngữ thì ngôn ngữ mạng là của cư dân mạng, mang tính chất nhóm xã hội, thậm chí mang phong cách cá nhân nên nó hoàn toàn có thể được sử dụng theo cách riêng của mỗi cá nhân, mỗi nhóm.
Ngôn ngữ mạng là thứ ngôn ngữ phi quy thức, mang tính khẩu ngữ nên, về nguyên tắc, chỉ nên dùng trong không gian vui chơi giải trí một cách thân mật, trong phạm vi một nhóm xã hội nào đó. Tuy nhiên, trong thực tế, thứ ngôn ngữ này nhiều khi được sử dụng trong phạm vi giao tiếp chính thức, chẳng hạn như tin nhắn của một sinh viên gửi cho thầy giáo: "Em chao thay ak. Thay ui, sang hum nj nha em co vjek, thay cho em nghj hok mot bui dk ko ak?" (Tạm dịch: Em chào thầy ạ. Thầy ơi, sáng hôm nay nhà em có việc, thầy cho em nghỉ học một buổi được không ạ?). Trong trường hợp này, không tính đến việc thầy giáo có thể không hiểu được thông tin mà sinh viên muốn truyền tải, việc sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với phạm vi và bối cảnh giao tiếp là không thể chấp nhận được.
Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh có nhiều người tán đồng việc sử dụng ngôn ngữ mạng, coi đó như một thứ chuẩn mực để đánh giá giới trẻ, bất kể quy tắc nghiêm ngặt đối với việc sử dụng ngôn ngữ, xã hội nên phản ứng như thế nào? Ngôn ngữ mạng "đã chuẩn" theo quan niệm của một số nhóm xã hội, nhưng thực sự thì cái sự "chuẩn" ấy có cần phải "chỉnh" hay không? Có chuyên gia ngôn ngữ đã nhận định: "Ngôn ngữ của giới trẻ giống như mốt thời trang. Nó được thanh niên sử dụng nhằm trẻ hóa, thể hiện cá tính, tâm lý thích đổi mới, ưa cái lạ, chuộng cái hay. Tuy nhiên, ngôn ngữ mạng là ngôn ngữ cá nhân nhưng lại nằm trên mạng xã hội nên có sức lan tỏa rất lớn. Mặt khác, nếu dùng nhiều sẽ thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Trong ngôn ngữ mạng, câu không cần đúng, chỉ viết cực ngắn nên nếu sử dụng trong khoảng thời gian dài thì dần dần sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy".
Ngôn ngữ mạng với những biến thể lạ lẫm, kỳ dị không còn xa lạ với phần đông người sử dụng Internet hiện nay. Lướt một vòng qua các diễn đàn, các trang thông tin dành cho giới trẻ hay trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Intasgram… dễ nhận thấy tiếng Việt được các bạn trẻ thay đổi vô tội vạ, từ cấu trúc câu đến lối sắp xếp chữ cái. Những dòng trạng thái trên Facebook như: “Hum nAi chO?i đEpj coá ay mun đy chOji zỚi tuy hOng?” (Hôm nay trời đẹp có ai muốn đi chơi với tôi không?) lan nhanh như hiệu ứng dây chuyền. Giới trẻ nhanh chóng “sáng tạo” ra nó, nhiều thanh thiếu niên xem đó như là “phát minh”, một thứ ngôn ngữ riêng mà họ tự hào nói “ngôn ngữ 9X”. Nhiều bạn trẻ ngoại ngữ bập bõm cũng không ngần ngại chêm lung tung vào trong câu nói, dòng viết tiếng Việt, hoặc ghép nghĩa của một số từ đơn tiếng Anh mà không cần quan tâm đến ngữ pháp, cấu trúc câu để thể hiện điều mình muốn nói. Ví dụ, trên mạng đang thịnh hình lối viết: no table - miễn bàn; lemon question - chanh + hỏi = chảnh; like afternoon - thích thì chiều… Người nước ngoài mà nghe và nhìn thấy cách viết, cách nói ấy thì cũng không thể hiểu được!
Từ thế giới “ảo”, ngôn ngữ mạng xâm nhập vào cả đời sống thực. Giờ, trong nhiều cuộc trò chuyện bạn bè bên bàn cà phê, giao tiếp trong gia đình hay thậm chí cả trong các cuộc hội họp, bàn luận công việc, người ta cũng vô tình hay cố ý sử dụng ngôn ngữ mạng một cách tự nhiên. Thậm chí nhiều học sinh giờ đây viết các bài luận theo ngôn ngữ mạng xã hội. Thậm chí cách sử dụng ngôn ngữ đó còn lan vào trong văn chương, âm nhạc. Khi ngôn ngữ mạng, thậm chí là ngôn ngữ trên các ấn phẩm được xuất bản bởi các nhà xuất bản danh tiếng, mà tác giả là những cây viết, vẽ có ảnh hưởng như Hồ Anh Thái, Thành Phong… xuất hiện lối nói viết mới, lạ, “teen”, “phá cách” ngày càng tràn lan, phổ biến, thì vấn đề càng nên được xem xét một cách toàn diện hơn.
Không thể phủ nhận rằng, sự phát triển của ngôn ngữ mạng xã hội đem lại nhiều thú vị. Nó chứa đựng không ít sự sáng tạo, mới mẻ, độc đáo về ngôn ngữ và trong một vài trường hợp đã góp phần làm phong phú thêm ngôn ngữ chính thống. Thế nhưng, bên cạnh đó, sự “bôi đen” hay làm biến dạng ngôn ngữ hoàn toàn có thật và là một thực tế đáng lo ngại. Chưa bàn đến tốt – xấu, đúng – sai, nhưng nhìn nhận ở khía cạnh ngôn ngữ thì rõ ràng đã có sự lai căng, nhiễu loạn, thiếu chuẩn mực, gây nên nhiều nguy cơ trong nói và viết tiếng Việt.
Ngôn ngữ mạng được xem là thứ ngôn ngữ thể hiện sự tự do cá nhân, bất tuân quy tắc, phi chính thức. Gần đây, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã tổ chức điều tra về thái độ xã hội đối với ngôn ngữ mạng. Kết quả cho thấy, đối với việc sử dụng tiếng Việt của nhóm trẻ 9x trên diễn đàn, 6,6% số người được khảo sát trả lời "thích", cho rằng ngôn ngữ mạng có gì đó vui vui, tiện lợi và "sành điệu"; 51,2% trả lời "không thích", vì ngôn ngữ mạng khó hiểu, rối mắt và làm hỏng tiếng Việt; 42,2% trả lời "bình thường".
Đối với việc "trộn" tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, 6,6% trả lời "thích" vì thấy lạ, "sành điệu"; 52% trả lời "ghét", cho rằng cách sử dụng ngôn ngữ nói trên gây khó hiểu, làm hỏng tiếng Việt; 41,4% trả lời "bình thường". Từ kết quả này, có thể thấy đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều về ngôn ngữ mạng.
Sử dụng ngôn ngữ mạng là ngôn ngữ cá nhân nhưng lại tồn tại trên mạng xã hội nên có sức lan tỏa rất lớn. Dùng nhiều sẽ thành quen, có thể dẫn đến việc giới trẻ sử dụng chệch hướng, biến nó thành ngôn ngữ trong nhà trường, trong các văn bản. Trong ngôn ngữ mạng, câu không cần đúng ngữ pháp, chính tả, chỉ viết cực ngắn nên nếu sử dụng trong khoảng thời gian dài thì dần dần sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tư duy. Nên chăng các nhà quản lý giáo dục - văn hoá, các chuyên gia nghiên cứu… sớm có khảo sát về mức độ sử dụng và tác động của ngôn ngữ mạng trong đời sống hiện nay…
Như vậy, có thể thấy, việc dùng ngôn ngữ mạng như sử dụng dao hai lưỡi. Nó có thể mang lại hiệu quả nhất định trong thời gian ngắn, trong bối cảnh và nhóm xã hội nhất định, nhưng cũng có thể mang đến tác hại lâu dài. Sử dụng hay không sử dụng ngôn ngữ mạng, sử dụng thế nào, đó là điều người dùng nên cân nhắc để thể hiện được nền tảng văn hóa, tri thức của mỗi cá nhân.
CLEF tổng hợp từ các nguồn: http://hanoimoi.com.vn/; https://baonghean.vn/; https://baophapluat.vn/ và một số công trình nghiên cứu khác.