Phong cách ngôn ngữ trong giao tiếp không chỉ phụ thuộc vào truyền thống ngôn ngữ đã được hình thành trong nước mà còn chủ yếu dựa vào khả năng của từng cá nhân. Tuy nhiên vẫn có thể tìm ra một số quy luật sử dụng ngôn ngữ của các nguyên thủ.
Dưới đây là trả lời phỏng vấn của nhà phiên dịch nổi tiếng Viktor Suhodrev người từng làm việc với tất cả các lãnh đạo Liên Xô (cũ), về ngôn ngữ và phong cách giao tiếp của một số nguyên thủ, đăng trên tờ Tin tức của Nga.
Sự khác nhau cơ bản trong ngôn ngữ của các chính khách Nga và nước ngoài là gì?
Nếu như ở Nga, người ta thích trích dẫn các nhân vật điện ảnh trong sinh ngữ hay các triết gia, sử gia trong các bài phát biểu chính thức, thì ở Mỹ người ta lại thích lối nói dân dã. Khi chuẩn bị văn bản lời kêu gọi hàng năm của Tổng thống gửi hai viện của Quốc hội Mỹ, các chuyên gia cố tình tìm kiếm một công dân bình thường để chứng minh hay minh hoạ một luận điểm nào đó. Chẳng hạn, khi nói về những hoạt động quân sự ở Iraq, chính khách Mỹ sẽ chọn số phận của người lính vì cách nói đó dễ dàng tiếp cận ý thức của người Mỹ hơn. Nói chung, các bài phát biểu chính thức của quan chức Mỹ gần với ngôn ngữ hội thoại hơn. Ở đấy người ta cố gắng làm cho nó trở nên cảm động và bóng bẩy.
Theo ông, ngôn ngữ của Tổng thống Bush và Putin thời đương chức, ai độc đáo hơn?
Trong số các nhà lãnh đạo Liên Xô, có lẽ người diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc và lưu loát nhất là ông Gorbachev, mặc dù đôi khi ông ấy cũng nói sai trọng âm. Còn với ông Putin, ông ấy nói khá nhiều tiếng lóng. Các lãnh tụ Liên Xô không sử dụng tiếng lóng và tôi nghĩ rằng họ cũng không biết. Nhưng nhìn chung, tiếng Nga của ông Putin rất trong sáng.
Còn ông Bush, tôi nhận thấy không có một bài phát biểu nào của ông ấy mà không vấp phải những từ vô nghĩa. Ông ta không biết trình bày ý tưởng một cách rõ ràng, và toàn bộ bài diễn văn của ông thực chất là một mớ bòng bong ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói rằng chính ông Bush muốn tỏ ra “độc đáo” bằng phong cách ngôn ngữ đó.
Thực tế, nhiều người Mỹ thích cách nói của ông Bush cũng như ở Nga, những câu nói dân dã của ông Putin cũng gây được cảm tình. Nói chung, dù ở nước nào, người dân đều thích các nguyên thủ giao tiếp bằng ngôn ngữ gần gũi với quần chúng.
Nói đến mặt này, tôi nhớ năm 1959 người Mỹ rất thích lãnh tụ Liên Xô Khrushev. Ông ấy lôi bài phát biểu được viết sẵn, mở ra, đọc dòng đầu tiên, sau đó nói: “Thôi đọc làm gì, tốt nhất tôi sẽ kể cho các bạn về những ấn tượng của mình”. Người Mỹ háo hức chờ đợi. Và Khrushev không làm họ thất vọng. Vào cuối chuyến thăm nước Mỹ, trên một tờ báo ở đó xuất hiện bài viết đại ý nói rằng: Nếu như Khrushev ra tranh cử trong các cuộc bầu cử bất cứ cấp nào ở Mỹ, ông ấy sẽ giành chiến thắng.
Vậy ngôn ngữ của đương kim Tổng thống Nga Dmitry Medvedev thì sao?
Ngôn ngữ của ông Medvedev thay đổi đáng kể so với ngày đầu tiên ông trở thành Tổng thống. Ví dụ, tôi nhận thấy sự tự tin tăng lên trong âm điệu và cả trong những câu nói của ông. Những âm hưởng đanh thép trong ngôn ngữ của Medvedev vang lên cùng với việc ông bắt tay vào những vấn đề khó khăn then chốt, ví dụ như nạn tham nhũng. Và cũng chính ông Medvedev bắt đầu sử dụng những từ như “cơn ác mộng” và “thói dối trá”. Tóm lại, sự gay gắt trong ngôn ngữ luôn phụ thuộc vào đề tài. Theo tôi, các lãnh tụ nước ngoài cũng có thể sử dụng những từ mang sắc thái thù địch, nhưng quan trọng là không được vượt quá giới hạn. Nguyên thủ phát biểu không chỉ nhân danh cá nhân. Rằng mỗi lời nói của ông được đón nhận như là sự thể hiện quan điểm của cả một quốc gia.
Những Tổng thống nào của Nga và Mỹ có thể được coi là “đôi lứa xứng đôi” về ngôn ngữ?
Tôi cảm thấy ông Medvedev và ông Obama rất hợp nhau. Họ cùng làm việc trên một tần số, hay nói cách khác, họ có ngôn ngữ chung. Họ dễ dàng giao tiếp với nhau, tất nhiên không phải họ nhất trí về mọi vấn đề. Nhưng thuật ngữ “quá tải” được cả hai sử dụng rất phù hợp với thời đại.
Tiếng Nga của ông Medvedev rất chuẩn. Ngôn ngữ của ông Obama cũng là mẫu mực, tôi hầu như ngày nào cũng nghe ông nói trên CNN. Trong thâm tâm, tôi thường so sánh phong cách của ông Obama với phong cách của John Kennedy. Nhân tiện cũng xin nói, ông Obama muốn noi gương Kennedy. Về mặt này, ông Medvedev không có người tiền nhiệm. Trong số các nhà lãnh đạo Liên Xô không có những nhà hùng biện và luận chiến bẩm sinh.
Tại sao chúng ta mượn nhiều từ tiếng Anh như vậy trong khi trước những năm 1990, sự xuất hiện của chúng trong tiếng Nga không đáng kể?
Đó là do xu hướng của thời đại. Chúng ta hãy suy luận ngược lại. Vào cuối những năm 1940, đầu 1950, theo sáng kiến của Stalin, chúng ta đấu tranh chống ảnh hưởng nguy hại của phương Tây. Lúc bấy giờ, từ “football” suýt bị xoá bỏ và thay bằng từ “bóng chân”... Nghĩa là đã từng có giai đoạn tất cả những từ ngoại đều bị tẩy chay và thay bằng từ thuần Nga. Còn vào những năm 1990 thì diễn ra quá trình ngược lại. Nó gắn liền với sự sụp đổ của bức tường Berlin, với sự mở rộng biên giới và tự do đi lại, và cuối cùng là với sự phổ biến của Internet. Người ta bắt đầu tránh hệ từ vựng Xôviết. Thay cho cuộc gặp gỡ cấp cao người ta nói “summit”. Trong ngôn ngữ xuất hiện những “speaker”, “briefing”, “bloger”, “lobby”...
Trong ngôn ngữ học, nguyên tắc làm giàu ngôn ngữ được thừa nhận. Đó là một quá trình hợp lý, song không nên vượt giới hạn. Người Pháp rất nhạy cảm với điều đó. Họ gần như có luật cấm sử dụng trên phương tiện thông tin đại chúng một số từ tiếng Anh…
[Trần Hậu dịch ; Nguồn: Thế giới & Việt Nam]