Vẻ đẹp của ngôn từ

Thứ Hai, 12/06/2023 02:48
 
Đến một lúc, đọc sách không chỉ là tìm kiếm tri thức, những câu chuyện hay, mà còn để thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ.
Ngôn ngữ, dưới ngòi bút của những nhà văn tài năng, không còn là con chữ xếp lại bên nhau, mà xuyên thấu tâm can người đọc, làm người ta lạnh buốt trong một nỗi hạnh phúc, hoặc buồn đau, hoặc vui sướng, hoặc rã rời, hoặc căm giận, hoặc ghê tởm… Hoặc không cần cảm thấy gì cả, để cho rỗng không tràn ngập bản thể trong một khoảng.
"Tôi mường tượng ra ông ở dưới hầm ngầm. Không đèn cũng không một cuốn sách. Bóng tối dìm ông vào giấc mơ. Ban đầu ông mơ thấy cái đêm hãi hùng trong đó lưỡi dao đang tìm cổ họng ông, mơ thấy những con đường rộng mở, mơ thấy đồng bằng. Sau nhiều năm không thể trốn được, ông mơ thấy hầm ngầm. Thoạt đầu, có thể ông là một kẻ bị truy lùng, một kẻ bị đe dọa; sau đó chẳng bao giờ chúng ta biết có phải ông là một con vật hiền lành trong hang ổ của mình hay một ngôi sao của thần linh giấu mặt. " (Pedro Salvadores - Jorge Louis Borges)
"- Giàu có là điều không phải chứng minh!... - Chàng béo nói.
Các bô lão gật gù. Trưởng bản cũng gật gù! Chàng béo mỉm cười, mắt chàng có ánh lửa, có dông bão, có cả đêm tối nữa. Người chàng như có hào quang.
Trưởng bản hỏi E
- Thế nào, con gái ta… Giàu có có phải là đức tính đáng quý và khó kiếm không con?
-Khó kiếm thì đúng, - E trả lời. - Nhưng giàu có thì không phải đức tính. Giả dối thì đúng là một đức tính. Không thể giàu có mà không giả dối…
Các bô lão cười phá lên. Người ta lại xòe suốt đêm để mừng con người giàu có".  (Những ngọn gió Hua Tát - Nguyễn Huy Thiệp).
Những từ ngữ khi đứng bên nhau trong một trật tự của nhà văn, tự thân nó mang thêm ý nghĩa ngoài văn bản, tạo ra cảm xúc khác biệt với từng người đọc trong những không gian địa lý khác nhau, nền tảng tri thức khác nhau, văn hóa truyền thống khác nhau, tính cách khác nhau, thậm chí là giới tính khác nhau. Mỹ cảm mà ngôn từ tạo ra là điều không thể lượng một cách chính xác bằng phương pháp thống kê. Người đọc, thực ra, cũng không thể tự mình đánh giá. Nó chỉ có thể được cảm nhận bằng sự rung cảm của tâm hồn. 
Đọc sách để thu lượm tri thức, làm giàu vốn ngôn ngữ, giáo dục nhân cách
Đó là thông điệp chính của các nhà quản trị xã hội, các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh. Những lợi ích hữu hình của việc đọc sách được đưa ra để đo đếm. Giá trị của sách được định lượng thông qua hàm lượng tri thức, giáo dục đạo đức mà cuốn sách mang lại. Tính định hướng của cuốn sách, trong những trường hợp này, được đánh giá cao.
Ngụ ngôn Easop (tựa sách xuất bản ở Việt Nam là Kiến và chim bồ câu) của nhà văn Hy Lạp cổ đại đã được truyền bá khắp thế giới, qua hàng ngàn năm. Cuối những câu chuyện ngắn về những con vật được nhân cách hóa là lời răn dạy về lẽ sống ở đời. Có lẽ không mấy đứa trẻ đọc sách mà không có một quyển Kiến và chim bồ câu trong tủ sách của mình. Giá trị của cuốn sách này đã được ghi nhận từ nhà tư tưởng cổ đại như Socrates đến thế giới người đọc hiện đại. Trung Hoa thế kỷ 17 có một nhà bình văn nổi tiếng là Kim Thánh Thán. Cuối mỗi chương sách Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa, đóng khung lời bình của Kim Thánh Thán. Lời bình, lời răn làm sáng tỏ cốt truyện, định hướng người đọc theo một lối đi định sẵn. Tương tự, những tiết bình giảng văn học trong nhà trường hiện nay có phần nêu đại ý và ý nghĩa của tác phẩm. Lời bình, lời răn, đại ý được viết sẵn giúp người đọc nhanh chóng sáng tỏ nội dung tác phẩm mà không cần phải động não nhiều.
Tri thức từ sách vở, trừ tri thức trong giáo trình là thứ cần được ghi nhớ bằng cách ép buộc não bộ (trong nhiều trường hợp, tri thức trong sách giáo khoa cũng chưa hẳn là chân lý), thì rất nhiều thứ sẽ được người đọc thẩm thấu từ từ qua thời gian, thậm chí bằng một cách không thể tự nhận thức được. Sự tự đánh giá, phân tích, cảm nhận của bản thân là thứ không thể làm thay và mới có giá trị bền vững. Ngấm sách là một quá trình dài hơi và tự thân nhiều hơn là bằng những lời rao giảng của người khác.
Nói quá nhiều về tác dụng của sách như thể nó hiển hiện ngay và luôn khi người ta cầm lên một quyển sách có lẽ chưa hẳn là ý hay.
Dạo chơi trong chữ nghĩa, cảm nhận vẻ đẹp của ngôn từ
Lúc này, đọc không còn là gánh nặng của việc thu nạp, tìm kiếm, tích tụ cơ học nữa. Một gánh nặng, dù dưới những cái tên mỹ miều đến đâu, thì vẫn là gánh nặng, và người ta hẳn là không ngần ngại quẳng đi nếu không bị buộc phải mang.
Ngôn ngữ, bằng một cách nào đó, đã tìm đến con người (được nhà khoa học Shigeru Miyagawa - Đại học MIT - ước đoán là khoảng 10.000 năm trước), để con người có thể sử dụng mà mô tả được những tình cảm tế vi nhất của mình. Ở chiều ngược lại, ngôn ngữ lại có thể tạo ra cảm xúc, đưa cảm xúc đến tầm chạm vào những rung động sâu xa, có khả năng cải biến nhận thức, hành vi.
Những nhà văn đều là những người có khả năng ngôn ngữ vượt trội so với số đông trong xã hội. Quyển sách họ viết ra, trước khi đánh giá nội dung, đã là một tác phẩm nghệ thuật của ngôn từ. Đọc sách, trước hết là thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ, sau nữa, vẫn là thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ, đoạn giữa mới là nội dung tác phẩm. Cái đẹp của ngôn từ thẩm thấu tự nhiên vào tâm hồn người đọc, là cái đẹp khai sáng, cái đẹp của trí tuệ và tình yêu thương.
May mắn thay, những quyển sách được kỳ vọng mang lại những giá trị cao quý cho con người và xã hội chắc chắn phải là những quyển sách hay, cả về nội dung và hình thức thể hiện. Những nhà văn lão luyện là những bậc thầy sử dụng ngôn ngữ. Sử dụng ngôn ngữ - đó là cách mà sách tác động vào con người, tạo ra những thay đổi trong nhận thức xã hội.
Có lẽ chỉ những người có trí nhớ siêu phàm mới nhớ được hết nội dung những quyển sách mình từng đọc trong đời, còn số đông sẽ quên nhanh chóng các chi tiết, thậm chí quên luôn nhân vật, tên tác giả. Vậy thì đọc sách có ích lợi gì mà được ca ngợi/ ép buộc/ hướng dẫn ở nhiều cấp độ, từ gia đình đến trường học, đến cấp nhà nước? Đó hẳn là cảm xúc mà sách mang lại cho người đọc. Cảm xúc ấy nuôi dưỡng trí tưởng tượng, lòng nhân ái, ước mơ, cả những hão huyền siêu thực… Tất cả những điều đó có được bằng vẻ đẹp của ngôn từ mà nhà văn tạo ra. Điều đọng lại sau cùng là cảm xúc ấy lại cũng không dễ nhận ra, mà nó như mạch ngầm, mỗi ngày thấm vào đất một chút, như trầm tích tích tụ hàng thiên niên kỷ mới trở thành quặng, để một ngày cải biến nhận thức, hành vi của người ta.
Tất nhiên, để có được kết quả ấy là một quá trình đọc dài./.
Nguồn: Phượng – Tạp chí Thông tin & Truyền thông
“Lời nói là gói vàng” – văn hóa ngôn ngữ đất kinh kỳ

“Lời nói là gói vàng” – văn hóa ngôn ngữ đất kinh kỳ

Ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt nhằm liên lạc, giao tiếp giữa con người với con người, cũng chính bởi lẽ đó, ngôn ngữ chính là sự thể hiện của văn hóa từng vùng miền, từng địa phương. Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của đất nước, do vậy, “Tiếng Hà Nội” là sự kết tinh, hội tụ những gì tốt đẹp nhất từ mọi miền Tổ quốc. Đó là thứ ngôn ngữ mềm mại, tế nhị, êm ái và phong phú, được diễn đạt một cách trong sáng, thanh lịch, nhã nhặn mà chỉ cần nghe tiếng là có thể nhận ra ngay “người Hà Nội”.
Ngôn ngữ là hồn cốt lõi của dân tộc

Ngôn ngữ là hồn cốt lõi của dân tộc

Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã có nhiều khởi sắc, nhiều thành tựu. Giữa bối cảnh ấy, Tiếng Việt cũng có những bước phát triển, giàu có hơn, phong phú hơn. Bên cạnh ưu điểm và thành tích đó, có một thực tế cần quan tâm là việc sử dụng Tiếng Việt cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, đặc biệt là sự sử dụng thiếu trong sáng, thậm chí lệch chuẩn, lai căng, hỗn tạp. Hướng tới Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Lân Trung – Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam.
Sức mạnh và vẻ đẹp ngôn ngữ

Sức mạnh và vẻ đẹp ngôn ngữ

Bạn thử tưởng tượng rằng, bỗng một ngày nào đó, tiếng nói và chữ viết đột nhiên như có đôi cánh nhiệm màu rời khỏi loài người vốn đã sáng tạo ra nó, bay đến một thiên hà xa xôi nào khác… 
Ngô Tự Lập: "Nhiều kiệt tác của thế giới bị biến thành thứ không bằng nhạc chế"

Ngô Tự Lập: "Nhiều kiệt tác của thế giới bị biến thành thứ không bằng nhạc chế"

Ngô Tự Lập là một nhạc sĩ, nhà sư phạm, nhà văn, dịch giả và nhà nghiên cứu văn hóa - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF) cho rằng, nhiều kiệt tác của thế giới hiện nay bị biến thành một thứ thậm chí không bằng nhạc chế – bởi lẽ, người làm và hát “nhạc chế” ý thức rất rõ, rằng mọi người đều biết rõ ca từ thật của bài hát.
Một vài tìm tòi về ngôn ngữ

Một vài tìm tòi về ngôn ngữ

Bài viết giải đáp được phần nào các câu hỏi: Vì sao cùng là ngôn ngữ đơn lập mà tiếng Việt làm được chữ biểu âm còn tiếng Hán thì không; vì sao tiếng Nhật rất nghèo âm tiết lại làm được chữ biểu âm; vì sao phần lớn các nước đều dùng ngôn ngữ đa lập và chữ biểu âm.

Huy Anh CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT TRƯỜNG TRUNG CẤP QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG VIỆN QUỐC TẾ PHÁP NGỮ VOV2 HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY TRƯỜNG TIỂU HỌC, THCS VÀ THPT HỒNG ĐỨC LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA JF ACECOOK VAJA HEID NUI TRUC VIJACA dhnn thpt bac ha