Món ăn Nhật Bản
Cũng giống như ở nhiều nước châu Á, lúa gạo là cây lương thực chủ yếu của người dân Nhật Bản.
Trước kia cơm là món ăn chủ yếu trong bữa ăn của các gia đình Nhật Bản. Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Nhật Bản kể từ những năm 60 của thế kỉ XX và sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã khiến cho thành phần bữa ăn thay đổi. Nếp sống công nghiệp đã làm cho người Nhật ăn ít cơm hơn và chuyển sang ăn nhiều bánh mỳ - món ăn thuận tiện, không mất thời gian nấu nướng. Trong các bữa ăn ngày nay, người Nhật ăn nhiều cá, thịt, đường, hoa quả và những món ăn cao cấp khác. Chất lượng của các món ăn rất cao, được kiểm tra ngặt nghèo về sự sử dụng hóa chất độc hại cũng như được tính toán một cách chính xác lượng calo nên việc cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ sức khoẻ cho con người được đảm bảo rất tốt, và đó chính là lý do quan trọng khiến cho tuổi thọ của người Nhật cao nhất thế giới, và chiều cao của người Nhật đã tăng vọt lên trong mấy chục năm gần đây. Ngày nay, giá gạo do người Nhật sản xuất cao hơn nhiều so với gạo nhập khẩu, vì thế chính phủ Nhật phải trợ cấp để bảo vệ ngành này.
Nghệ thuật nấu ăn Nhật Bản có nét tương đồng với nghệ thuật nấu ăn Việt Nam ở chỗ coi trọng những thực phẩm tươi sống và sử dụng nhiều gia vị. Các loại gia vị phổ biến của người Nhật là tương (miso), tương hạt cải (wasabi), rong biển khô (nori) và các loại xì dầu, nước chấm (shoyu). Ngoài ra, người Nhật còn chú trọng đến khái niệm mùa của thiên nhiên trong bữa ăn, chẳng hạn như họ rất chú ý đến việc loại thực phẩm nào, hoa quả nào ăn vào tháng mấy là ngon nhất, và tùy theo mùa mà người ta bày biện món ăn theo sắc màu của mùa đó. Các món ăn Nhật nổi tiếng thế giới là món sashimi (cá tươi cắt lát) và sushi (cơm trộn dấm với những khoanh cá tươi, tôm, trứng, trứng cá v.v. để lên trên hoặc cuộn vào giữa).
Người ta nói rằng các món ăn của Nhật không đơn thuần để ăn mà còn để ngắm, có người còn nói để trầm tư, bởi vì người Nhật rất coi trọng hình thức, màu sắc, cách bày biện các món ăn cũng như các vật dùng để đựng đồ ăn như bát, đĩa v.v... Cả ở đây nữa, người ta cũng thấy đậm chất u huyền của Thiền Tông. Người ta cho rằng món ăn Nhật nếu để nơi quá sáng sẽ mất đi nhiều giá trị thẩm mĩ của nó.
Trong các loại bánh kẹo của Nhật, có nhiều loại bánh, mứt là những món ăn bắt chước của nước ngoài nhưng được cải tiến, Nhật Bản hoá và trở nên hết sức độc đáo. Từ thế kỉ thứ VIII, nhiều loại bánh bằng bột gạo được chế biến theo kiểu Trung Quốc, đến thế kỉ thứ XVI, người Nhật bắt đầu làm các loại bánh kiểu Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Các đồ ăn phương Tây, kể cả bánh mì, được người Nhật sử dụng rộng rãi từ thời Minh Trị.
Rượu sake
Trong những sản phẩm từ gạo, nổi tiếng nhất có lẽ là rượu sake, thứ rượu được coi như quốc hồn quốc tuý Nhật Bản. Rượu sake được uống trong những dịp giải trí thanh tao. Nghi lễ uống rượu sake ra đời cùng thời trà đạo và nghi lễ cắm hoa thời Muromachi (1333-1573) nhưng về sau mất dần. Người ta phân biệt ba trường phái uống sake: trường phái quí tộc chủ yếu để thi thố về sự sành điệu, trường phái Samurai (võ sĩ) thiên về nghi lễ, còn trường phái của thương nhân nhằm bày tỏ lòng mến khách. Loại sake quí nhất là Gingio. Rượu sake xuất hiện rất nhiều trong văn học Nhật Bản, như trong bài tanka (đoản ca)
Chiều buồn
Tôi nhỏ vào bếp lửa
Một chút sake
Phòng nhỏ bỗng tràn trề
Hương rượu nồng ngây ngất
Nghi thức dùng trà (Sa do - trà đạo)
Trà được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật vào thế kỉ XIII và đến thế kỉ XV đã phát triển thành môn trà đạo (đạo: con đường, cách thức). Nghi thức dùng trà trở thành một nét văn hóa độc đáo, trong đó quá trình pha và thưởng thức trà được tiến hành một cách rất cẩn thận, có nghi lễ riêng, và có những nguyên tắc nghiêm ngặt trong việc cầm chén, số lượng ngụm phải uống, những câu nói xen kẽ giữa các ngụm trà. Những qui trà tắc này đôi khi là quá khó hiểu đối với người phương Tây, nhưng với nhiều người thì đó là sự tinh tế. Nghi thức dùng trà bao hàm cả sự thưởng thức bối cảnh, gồm căn phòng nơi nghi lễ uống trà được tổ chức, mảnh vườn sát phòng, bộ đồ dùng uống trà, trang phục của người pha trà và nhiều khi là của cả người uống trà, cách trang hoàng sắp đặt, ví dụ như những bức tranh treo tường hay cách cắm hoa v.v... Nó thể hiện các hình thức truyền thống của văn hoá Nhật Bản.
Trà đạo dựa trên nền tảng triết lí là tư tưởng Thiền Tông (Zen), có mục đích tìm đến vẻ đẹp tinh thần, sự tinh tế trong sinh hoạt bình thường. Vì thế, phòng uống trà thường hẹp, tránh phô trương sự giàu sang. Việc uống trà đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa đồ uống trà và khách uống trà. Khi uống trà, thể xác và tinh thần phải thanh sạch.
Các khu vườn của nơi tổ chức trà đạo được thiết kế sao cho vừa đảm bảo tính thẩm mĩ cao vừa thích hợp để khách đến uống trà không dẫm phải rong rêu. Ngoài ra, để chiếu sáng ban đêm trong những dịp lễ hội, người ta dùng một kiểu đèn đá vẫn thường được dùng dọc lối đi trong các đền chùa ở Nhật. Hiện nay, ngay tại thủ đô Tokyo náo nhiệt và hiện đại, người ta vẫn có thể tìm đến những phòng trà như vậy, và khi khách đến đây, người ta cảm thấy mình như đi vào một thế giới khác.
(Trích “Nhật Bản – Đất nước, Con người, Văn học”, trang 72 ~ 75, Ngô Minh Thủy và Ngô Tự Lập)