Bảy vị thần phúc

Thứ Tư, 12/03/2025 03:11
Bảy vị thần phúc (shichikujin) là một nhóm các vị thần mỗi khi Tết đến thường xuất hiện đây đó trên tivi, báo, tạp chí... cầu chúc năm mới may mắn cho mọi người. 
Đây là những vị thần ban phúc lành nên trong những năm gần đây, việc đi lễ xin bảy vị thần phúc ban ơn huệ đã trở thành tập quán phổ biến ở nhiều nơi.
Các vị thần ở Nhật Bản đều có thuộc tính là phúc thần. Trong số đó, những vị thần được biết đến nhiều nhất phải kể đến là thần Inari¹, thần Fudoson², thần Ebisu³. Họ được gọi với cái tên thân mật là O-inari-san, O-fudo-san, O-ebisu- san. Niềm tin vào các vị thần này có thể nhận biết qua việc đền thờ Fushimi Inari4, Narita Fudos5, Nishinomiya Ebisu6 được coi là những nơi đi lễ đầu tiên vào dịp năm mới của nhiều người Nhật. Tuy nhiên, trong bảy vị thần phúc, chỉ có thần Ebisu mà không có thần Inari và thần Fudoson. Dường như ngày nay mặc dù gọi là bảy vị thần phúc nhưng người Nhật không tin tưởng mấy vào sự linh nghiệm của họ với tư cách là thần phúc, mà như tác giả đã đề cập ở trên, bảy vị thần phúc này đã trở thành biểu tượng chung về sự may mắn trong dịp Tết, thường được trang trí cho ngày Tết.
Vậy thì, bảy vị thần phúc là những ai? Tín ngưỡng thờ họ được tạo ra từ khi nào?
Bảy vị thần phúc là sự kết hợp của bảy vị thần gồm thần Ebisu, thần Daikokuten7, thần Bishamonten8, thần Benzaiten9, thần Hotei10, thần Fukurokuju11, thần Jurojin12. Người ta cho rằng bảy vị thần này được các vị sư thuộc phái Thiền tông ở Kyoto nhóm lại thành bộ vào thời kỳ Muromachi (1336-1573) theo quan điểm ghép nhóm theo số bảy như bảy ngày trong một tuần, bảy vị Phật hay bảy nhà thông thái. Theo nhà sử học Kita Sadakichi, bảy vị thần phúc có lẽ là dựa theo từ thất phúc trong câu “thất nạn tức diệt, thất phúc tức sinh” trong Phật điển.
Mặc dù vậy, dường như việc lựa chọn và xác định bảy vị thần phúc khá khó khăn đối với những người đương thời. Ban đầu, khi ý tưởng về bảy vị thân mới xuất hiện, dường như đã có ít nhiều quan điểm khác nhau khi lựa chọn các thần. Vào thời kỳ Muromachi, tín ngưỡng cầu các vị thần như thần Ebisu Saburo ở Nishinomiya, Sanmendaikoku ở Hieizan13, Bishamonten ở Kurama14, Benzaiten ở Chikubushima15... ban phúc đã rất phổ biến, nên các vị thần này nhanh chóng trở thành bốn trong số bảy vị thần phúc. Tuy nhiên, có người đã đưa ra những cái tên khác về ba vị thần còn lại, như thần Inari, Kukozo Bosatsu, Kichijoten, Shojo. Cuối cùng, có lẽ do tôn trọng ý tưởng của các thiền sư vốn là người tuyển chọn, nên cuối cùng người ta đã quyết định đó là ba vị thần Hotei, Fukurokuju, Jurojin - những vị thần không mấy quen thuộc với dân gian.
Trong bảy vị thần phúc, thần Ebisu và thần Daikoku được biết đến nhiều nhất. Có nhiều người, khi nói đến bảy vị thần phúc, thường nhắc ngay tới hai vị thần này, cho rằng họ dẫn dắt những vị thần còn lại, và thậm chí do dự khi nói tên của năm vị thần còn lại.
Thần Ebisu và thần Daikoku - đại diện cho bảy vị thần phúc - thường được dân gian thờ chung, và có một điều thú vị là hai vị thần này được biểu hiện một cách trái ngược nhau, do tính cách của các vị. Thần Ebisu có thân hình mảnh khảnh, đầu đội mũ eboshi16, tay phải cầm cần câu, tay trái cắp một con cá tráp lớn. Trong khi đó, thần Daikoku có thân hình béo phì, đầu đội mũ vải daikokuzukin17, đứng trên bao rơm, tay phải cầm búa, tay trái cầm túi lớn khoác qua vai. Như vậy, thần Ebisu được vẽ như là thần của biển cả (ngư nghiệp), thần Daikoku được vẽ như là thần của núi rừng, đất đai (nông nghiệp) và nếu thờ chung hai vị thần này thì ta sẽ nhận được may mắn từ biển cả và đất đai, núi rừng.
Đối với người dân Nhật Bản thì chỉ cần thờ hai vị thần này là đủ, nhưng các thiền sư còn bổ sung thêm vị thần Bishamonten (vốn có nguồn gốc là thần chiến tranh trong Mật giáo, là biểu tượng của mối quan hệ vợ chồng, anh em) và thần Benzaiten (vị thần của âm nhạc, có quan hệ mật thiết với thần nước) làm cho cơ chế tín ngưỡng thờ thần phúc trở nên khá vẹn toàn. Nếu thêm vào đó thần Inari và thần Fudo thì thể chế này chắc chắn sẽ trở nên vững chãi hơn. Thế nhưng, các thiền sư lại đưa ba vị thần có nguồn gốc từ Trung Quốc mà họ tôn thờ vào nhóm các vị thần phúc. Đó là thần Hotei, thần Fukurokuju, thần Jurojin.
Hotei là một nhân vật có thật sống ở đời Đường tại Trung Quốc, là một nhà sư hành khất cầu thực. Hotei thể hiện tính cách thần tiên và cách sống lý tưởng của các nhà sư nên được các thiền sư yêu thích, trở thành chủ đề phổ biến của tranh treo tường kakejiku. Trong số các tranh đó, có cả những bức tranh miêu tả cảnh Hotei chơi trò dùng dây kéo cổ với Ebisu hay tranh Hotei chơi cờ với Daikoku. Đó là vì từ rất sớm, Hotei, Ebisu và Daikoku đã được giới Thiền sư cho là bạn.
Fukurokuju và Jurojin cũng là những vị thần phúc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Fukurokuju là vị thần trong Đạo giáo, có dạng tổ hợp bộ ba vị thần bảo trợ hạnh phúc là Phúc tinh, Lộc tinhThọ tinh. Phúc ở đây có nghĩa là sự an lành, thịnh vượng của gia đình, con cháu, lộc là bổng lộc, tức là chức tước, lương bổng (tài sản), còn thọ có nghĩa là trường thọ (sống lâu). Hạnh phúc trong quan niệm của người dân Trung Quốc được quan niệm bởi 3 yếu tố là phúc (sự thịnh vượng của gia tộc), lộc (chức tước, tài sản) và thọ (trường thọ). Ngoài ra, trong tranh tượng ba vị thần Phúc Lộc Thọ, ai cũng được vẽ dưới hình ảnh ông già, cạnh biểu tượng lần lượt là con dơi, hạc-hươu, cây tùng. Biểu tượng về mầu sắc là màu đen, xanh và trắng. Ví dụ, thần Phúc được vẽ mặc bộ trang phục màu đen cùng với con dơi. Ba vị thần Phúc Lộc Thọ khi du nhập vào Nhật Bản đã biến đổi thành hai vị thần. Phải chăng, tại Nhật Bản, thân cách của thần Phúc với biểu tượng là màu đen và con dơi bị coi là không phù hợp với hình ảnh của một thần phúc nên đã bị loại ra? Kết quả là, lộc tinh mang cả thuộc tính của phúc tinh đã trở thành vị thần nhất thể gọi là Fukurokuju, còn thọ tinh trở thành một vị thần nhất thể có tên là Jurojin. Nếu chú ý đến yếu tố bộ ba vị thần thì có lẽ có thể nói rằng Hotei đã thể vào chỗ của phúc tinh.
Như vậy, có thể thấy rằng phúc trong bảy vị thần phúc là sự kết hợp gồm may mắn từ biển và núi của Ebisu, Daikoku, sự viên mãn trong quan hệ vợ chồng của Benzaiten và Bishamonten, cùng ba hạnh phúc của Fukurokuju có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mặc dầu vậy, dường như nỗ lực của các thiền sư xưa không có hiệu quả nhiều như mong muốn, bởi tín ngưỡng tam thần Phúc Lộc Thọ của Trung Quốc và ba vị thần Hotei, Fukurokuju, Jurojin đã được biến đổi ở Nhật Bản thành các vị thần trong bộ bảy vị thần phúc với vai trò là những biểu tượng may mắn nhiều hơn là đối tượng tín ngưỡng của đông đảo dân chúng.
1 Thần nông nghiệp (ND)
2 Thần hộ trì mạng căn của chúng sinh, trừ bệnh dịch, tai ách (ND)
3 Thân ngư nghiệp và thương nghiệp (ND)
4 Là một ngôi đền thờ Thần đạo nằm ở thành phố Kyoto. Đây là tổng bản doanh của hơn 40000 đền thờ Thần đạo thờ thần Inari trên toàn Nhật Bản (ND)
5 Là một ngôi chùa thuộc dòng Chisan (Trí Sơn) tông phải Shingon (Chân Ngôn), nằm ở thành phố Narita thuộc tỉnh Chiba. Tên đầy đủ là Naritasan Shinshoji (Thành Điển Sơn Tân Thắng Tự (ND)
6 Là một đền thờ Thần đạo nằm ở thành phố Nishinomiya thuộc tỉnh Hyogo (ND)
7 Thần nông nghiệp (ND)
8 Thần mang lại phúc tài (ND)
9 Thần báo hộ nghệ thuật, trí tuệ, tiền bạc (ND)
10 Thần bảo hộ sự phú quý phồn vinh (ND)
11 Thần bảo hộ hạnh phúc, tài lộc, trường thọ (ND)
12 Thần bảo hộ trường thọ (ND)
13 Một ngọn núi ở phủ Kyoto (ND)
14 Một địa danh ở phú Kyoto (ND)
15 Một địa danh ở tỉnh Shiga (ND)
16 Một loại mũ màu den giống cánh chim (ND)
17 Một loại mũ xếp bảng vải, có hình tròn (ND)
Komatsu Kazuhiko
(Trích “Vài nét về tín ngưỡng và Văn hóa dân gian Nhật Bản”, sách “Bài giảng chuyên đề Nghiên cứu Nhật Bản – Lịch sử văn hóa - xã hội”, trang 181~184, Bộ môn Nhật Bản học – Khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội)
 
 
Cuộc sống nông nghiệp qua các lễ hội trong năm (xung quanh các nghi lễ dành cho trẻ em)

Cuộc sống nông nghiệp qua các lễ hội trong năm (xung quanh các nghi lễ dành cho trẻ em)

Mặc dù nền kinh tế của Nhật Bản đã có những thay đổi lớn lao nhờ thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao sau chiến tranh, nhưng xã hội Nhật Bản cho đến nay vẫn là xã hội lấy nông nghiệp làm nền tảng, ngoại trừ các thành phố lớn.
Bảy vị thần phúc

Bảy vị thần phúc

Bảy vị thần phúc (shichikujin) là một nhóm các vị thần mỗi khi Tết đến thường xuất hiện đây đó trên tivi, báo, tạp chí... cầu chúc năm mới may mắn cho mọi người. 
Nghệ nhân Sayutei Encho với nghệ thuật tấu hài Rakugo Cổ điển

Nghệ nhân Sayutei Encho với nghệ thuật tấu hài Rakugo Cổ điển

MỞ ĐẦU
Trong thành công và sức sống của bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, không thể phủ nhận vai trò quyết định của cá nhân xuất sắc. 
Những giọng nữ phi thường trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản

Những giọng nữ phi thường trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản

Nhiều cuộc cách mạng nghệ thuật bắt đầu một cách tình cờ, không phải bởi các lý thuyết gia được trọng vọng, mà bởi các tác giả bên lề, thậm chí không chuyên. Một ví dụ là những cuộc cách mạng văn chương do phụ nữ khởi đầu.
Tên gọi "Nhật Bản" ra đời từ khi nào?

Tên gọi "Nhật Bản" ra đời từ khi nào?

Hai chữ “Nhật Bản” trong quốc hiệu Nhật Bản đã xuất hiện từ bao giờ và như thế nào, ý nghĩa của tên gọi này là gì?
Huy Anh CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT TRƯỜNG TRUNG CẤP QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG VIỆN QUỐC TẾ PHÁP NGỮ VOV2 HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY TRƯỜNG TIỂU HỌC, THCS VÀ THPT HỒNG ĐỨC LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA JF ACECOOK VAJA HEID NUI TRUC VIJACA dhnn thpt bac ha