Ngành khoa học điều tra, nghiên cứu về tình hình đời sống xã hội nông thôn ở Nhật Bản là ngành dân tộc học (minzokugaku).
Ngành dân tộc học này có phạm vi nghiên cứu rộng lớn và cho đến nay đã ghi lại tình hình sinh hoạt trong xã hội nông thôn từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ tổ chức hành chính nông thôn đến các ngành nghề kinh tế, tổ chức gia đình, họ hàng hay tôn giáo, tín ngưỡng...
Trong phần này, tôi xin giới thiệu về các lễ hội của nông dân diễn ra trong chu kỳ một năm – kết cấu cơ bản nhất để tìm hiểu đời sống nông thôn, với trọng tâm là các lễ hội của trẻ em.
Lễ hội trong năm của trẻ em
Trong xã hội dân gian (nông thôn) Nhật Bản, có nhiều sự kiện lấy trẻ em làm trung tâm và ngay cả trong các lễ hội cũng có không ít lễ hội mà trẻ em chiếm vai trò chính. Trong quá trình biến đổi của tự nhiên qua bốn mùa, bằng cách tự điều hành sự kiện hay đóng một vai trò nhất định, trẻ em một cách vô thức đã học hỏi được cách sống như một thành viên bình thường và dẫn trưởng thành.
Kể từ sau thời kỳ tăng trưởng tế cao, làn sóng đô thị hóa tác động mạnh lên xã hội nông thôn, khiến văn hóa dân gian dần biến mất khỏi xã hội Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, giáo dục - học tập trong trường học và giáo dục - học tập trong xã hội đã bị mất cân bằng mạnh mẽ.
Trẻ em trước thời kỳ tăng trưởng cao thường phải dậy sớm đi học, học xong ở lại trường chơi hoặc chơi với trẻ con hàng xóm, và khi việc nhà bận rộn thì dù có mải chơi đến mấy thì cũng phải giúp việc nhà, thậm chí phải nghỉ học. Song, dù có như vậy thì mối quan tâm chủ yếu của trẻ em vẫn là chơi đùa. Hơn nữa, phần lớn đó là những trò chơi tập thể ngoài trời với sự tham gia của bạn bè.
Đối với những đứa trẻ như thế, ngày đặc biệt mà chúng hồi hộp mong chờ chính là các sự kiện trong năm được tổ chức theo mùa. Ví dụ, ngay đối với trẻ em, Tết, lễ Tiết phân (setsubun), lễ hội mùa xuân, lễ diệt sâu bọ, ngày lễ Thất Tịch (Tanabata), lễ Vu Lan, lễ hội mùa thu... là những ngày đặc biệt, ngày đẹp.
Điều tôi muốn lưu ý ở đây là dù sự kiện đó được người lớn tổ chức thì trẻ em cũng ở bên cạnh người lớn chứng kiến sự kiện đó từ khâu chuẩn bị cho đến việc dọn dẹp sau khi kết thúc. Do đó, khi trở thành người lớn, bằng việc phát huy những kinh nghiệm này, các em có thể dễ dàng trở thành những người đảm đương mới. Trẻ em không sống tách rời với thế giới của người lớn mà ở một ý nghĩa nào đó, chúng bị cuốn vào và là một phần trong thế giới.
Trong các sự kiện trong năm cũng có những nghi lễ đời người (lễ nghi đánh dấu các giai đoạn trưởng thành) được tiến hành theo từng mùa. Ví dụ như lễ Shichi Go San (lễ chúc mừng cho các bé gái 3 và 7 tuổi, các bé trai 3 và 5 tuổi) được tiến hành vào ngày 15 tháng 11 hàng năm.
Từ mùa đông sang mùa xuân
Trong thế giới dân gian, Tết là thời điểm bắt đầu một năm. Do đó, khoảng thời gian từ tháng 12 đến Tết là lúc lũ trẻ cùng người lớn hối hả chuẩn bị đón năm mới và lễ hội ngày Tết. Trẻ con thường giúp chuẩn bị trang trí ngày Tết, giã gạo nếp làm bánh dày, cắt bánh dày, đặt những món ăn ngày Tết (osechi) vào trong hộp đựng thức ăn nhiều tầng.
Lúc đó, trẻ con đã thường hát bài hát sau.
Tết đã đến rồi, đã đến đâu rồi?
Đến tận Kanda rồi, đã đến bằng gì?
Bằng cây yuzuriha¹, yuzuri, yuzuri
Vào ngày Tết, giống như người lớn, trẻ con cũng mặc quần áo đẹp hay quần áo mới, chúc Tết mọi người trong gia đình rồi đi viếng đền Thần đạo đầu năm hay đi thăm mộ. Nhận tiền mừng tuổi từ bố mẹ, họ hàng cũng là một niềm vui của trẻ nhỏ và đây cũng là khoảng thời gian trẻ có thể vui chơi thỏa thích.
------
1 Cây yuzuriha là cây vai, có tên khoa học là Daphniphyllum macropodum, là cây gó lá thường xanh. Yuzuri trong tiếng Nhật có nghĩa là nhường. Vào mùa xuân, ở đầu cành cây mọc những lá non, sau đó, những lá trưởng thành mọc từ năm trước dẫn rụng xuống như thể nhường chỗ cho lá non. Người Nhật liên tưởng điều đó giống như bố mẹ nuôi con cái và gia đình được kế thừa từ đời này sang đời khác nên coi đây là cây may mắn (cây lộc), thường dùng để trang trí vào ngày Tết hay trồng trong vườn nhà (ND).
Tùy từng địa phương mà có nơi vào đêm giao thừa hay đêm Nguyên Tiêu (ngày 15 tháng 1) người ta tiến hành lễ hôi hóa trang cải trang thành “vị thần của năm", "quỷ" hay "thần phúc", v.v... Cũng có trường hợp các thanh niên cải trang để đi dọa trẻ con như lễ hội quỷ Namahage ở Akita hay Toshidon ở Koshikijima nhưng việc trẻ em hóa trang thành 7 vị thần phúc như ở làng Shirasawa tỉnh Fukushima hay thành nhóm múa lân trong lễ hội ở tỉnh Nagano, nhảy múa đến từng nhà xin bánh dày hay tiền lẻ rồi chia nhau số tiền đó cho những người tham gia cũng là một thú vui lớn.
Một lễ hội mà trẻ em là chủ thể được tiến hành ở nhiều nơi nhất có lẽ là lễ hội thu thập và đốt đồ trang trí ngày Tết được gọi là Dondoyaki (Lễ hóa vàng). Người ta quan niệm rằng các vị thần Tết cưỡi ngọn lửa đó để trở về quê nhà.
Ví dụ như ở tỉnh Toyama, khi đi khắp nơi để thu thập đồ trang trí ngày Tết, trẻ thường hát “Đồ cúng cho lễ hóa vàng nào, bao than cũng được, đồng hào cũng xong”. Đến nhà nào đó nếu có người ra đưa cho đồ trang trí ngày Tết, bánh kẹo hay tiền lẻ thì bọn trẻ hát rằng “Cầu cho nhà này thịnh vượng, tất cả các xà ngang đều thịnh vượng” còn nếu không có ai ra thì bọn trẻ sẽ chửi rủa là “Cầu cho cái nhà này thối nát, tất cả các xà ngang đều thối nát”.
Trẻ con cũng tham gia vào các sự kiện khi chuyển mùa. Các đền chùa tổ chức lễ tiết phân (lễ tu chính) cầu chúc một năm an bình cho cả làng và tại các gia đình, mọi người cầu chúc sức khỏe gia đình và thực hiện nghi thức đuổi quỷ, trẻ con cũng vừa ném hạt đỗ vừa nói “quỷ ở ngoài, phúc ở trong”.
Tại vùng Tohoku xa xôi có lễ hội gọi là Kamakura hay Honyarado được biết tới như là một phần trong văn hóa trẻ em có liên quan đến tuyết (lễ hội này thường là một phần của lễ hội Nguyên Tiêu). Đó là lễ hội mà người ta làm những miếu thờ thần nước bằng tuyết, rồi sau đó vào bên trong uống rượu gạo amazake, chơi trò sugoroku¹ hay chơi bài và ca hát. Trong những bài hát đó cũng có một bài hát cổ là Tori oi uta (Bài ca đuổi chim).
Câu hát "bảy loại rau cỏ, trước khi chim đất Đường bay sang đất Nhật, thình thịch, thình thịch" khi nấu cháo có cho 7 loại rau cỏ² vào ngày mùng 7 Tết cũng là lời hát ma thuật đối với trẻ em.
-------
1 Sugoroku là trò chơi với quân cờ hay tấm thé về hình và xúc xắc. Người chơi di chuyển quân cờ hay tấm thẻ theo số chấm xuất hiện trên mặt xúc xắc; người tháng là người vào vùng đất của đối phương trước. Trò chơi với những quân cờ này được truyền từ Ấn Độ, qua Trung Quốc sang Nhật Bản trước thời kỳ Nara. Sau đó, phát triển thêm sugoroku với những tấm thẻ, trở nên phổ biến trong dân gian từ giai đoạn đầu thời kỳ Edo, trở thành một trò chơi ngày Tết của trẻ em từ sau thời cận thế.
2 Người Nhật quan niệm ráng ăn cháo có nấu với 7 loại rau có sẽ trừ được bệnh tật trong năm (ND).
Từ mùa xuân sang mùa hạ
Theo lịch thì mùa xuân bắt đầu từ Tết nhưng đặt trong sự biến chuyển của tự nhiên, chỉ khi hoa mai, hoa đào nở thì mới là lúc ta có thể cảm nhận thấy mùa xuân đến.
Đối với trẻ em, sự kiên báo hiệu mùa xuân đến là tiết hoa đào, lễ hội búp bê vào ngày 3 tháng 3 (cũng có nơi muộn hơn). Hiện nay, vào ngày này, người ta thường mua búp bê hina bán trên thị trường về để trang trí trong nhà và uống rượu gạo ngọt (amazake) nhưng trước đây, tùy từng địa phương mà nhiều lễ hội búp bê khá khác nhau đã được tổ chức. Ví dụ, ở vùng Saku tỉnh Nagano, dân làng mang nổi và bát đĩa ra bờ sông, nấu shiruko (chè đậu đỏ), cúng shiruko cho búp bê hina rồi thả búp bê hina trôi sông. Đây được gọi là lễ giải hạn. Trong lễ giải hạn này, người ta ký thác tai ách vào những con búp bê và thả chúng trôi sông.
Trước đây, từ tháng 3 đến tháng 4, ở các địa phương, người dân thường lên núi hoặc ra bãi đá gần sông biển và tổ chức tiệc. Lễ giải hạn (kananbare) cũng có tính chất như vậy và có lẽ cũng có thể cho rằng trong việc “ngắm hoa đào” cũng đã được sinh ra từ truyền thống này. Hoạt động này là để chúc mừng mùa xuân đến, xác nhận rằng sắp tới sẽ là những ngày bận rộn của nhà nông, ngư dân và trước khi thời điểm đó đến thì người ta thong thả uống rượu, ăn uống và vui chơi. Lũ trẻ cũng thích thú với những trò chơi diễn ra ở núi hay bãi đá gần sông biển và thường ngắt hoa cỏ dại để làm đồ chơi.
Mùa xuân là mùa cấy lúa nên tại các địa phương đều có nghi lễ cấy lúa. Trẻ con cũng tham gia vào lễ hội đó qua những điệu múa của trẻ em hay đóng vai tiểu đồng, vu nữ (miko).
Sang tháng năm có tiết Đoan Ngọ là lễ hội của bé trai. Mọi người chúc mừng ngày này bằng cách bày búp bê võ sĩ, treo cá chép giấy, ăn bánh chimaki và cho vào nước nóng cỏ thạch xương bồ để trừ tà khi. Ngoài ra, trẻ con còn đội mũ giáp gấp bằng giấy, chơi kiếm làm bằng cây thạch xương bồ.
Từ mùa hạ sang mùa thu
Khi công việc cấy lúa hoàn tất thì cũng là lúc việc nhà nông đỡ bận, lúc này là lúc người nông dân chuyển sang làm cỏ ngoài đồng, diệt sâu bọ và lo lắng tới thời tiết – yếu tố có ảnh hưởng lớn đến vụ mùa. Bởi lẽ nắng hạn kéo dài hay mưa dầm dề đều không tốt đối với cây trồng. Những lễ hội trong mùa này chủ yếu là lễ diệt sâu bọ, lễ Thất tịch, lễ hội mùa hè như lễ hôi thần nước diễn ra chủ yếu ở các thành phố và lễ Vu Lan.
Lễ diệt sâu bọ là một lễ hội có tính ma thuật với mục đích diệt trừ sâu hại phá hoại cây trồng. Chủ thể của lễ hội có thể là người lớn hoặc trẻ em tùy theo địa phương. Ví dụ, trong lễ diệt trừ sâu bọ ở Matsubushicho thuộc tỉnh Saitama, trẻ em cầm đuốc, gõ chuông, vừa hét to lặp đi lặp lại câu “Ới ời sâu lúa" rồi đi đến tận rìa làng và đốt đuốc. Người ta quan niệm rằng bằng cách đó, sâu bọ gây hại bám vào ngọn đuốc sẽ bị quét sạch.
Một lễ hội nổi tiếng mà trẻ em là trung tâm của lễ hội là lễ Thất tịch. Ở Aomori hay ở Hakodate, trẻ em treo mảnh giấy dài gọi là tanzaku lên trên cây tre, cầm đèn lồng, vừa hát "treo mảnh giấy dài lên cành tre, lễ Thất tịch, hãy cho xin một cây nến” vừa đi đến các nhà để xin tiền và kẹo. Lễ hội đèn lồng nebuta ở khu vực Tsugaru (bao gồm cả Hirosaki, Aomori) là lễ hội phát triển từ lễ Thất tịch thành lễ hội của thành phố và đã thu hút được sự quan tâm của mọi người nhờ những bức tranh đầy tính sáng tạo vẽ trên những cái đèn lồng khổng lồ.
Lễ Vu Lan tổ chức chủ yếu vào ngày 13, 14 là ngày lễ đón linh hồn tổ tiên về, dâng đồ cúng và đưa tiễn tổ tiên. Tuy nhiên, đó cũng từng là khoảng thời gian mà người ta có thể cùng nhau vui vẻ thưởng thức điệu múa Bon.
Tương ứng với lễ Vu Lan của người lớn, lễ Vu Lan của trẻ em là lễ Vu Lan Địa Tạng Bồ Tát (Jizobon) mà ngày nay vẫn còn phổ biến ở vùng Kansai. Trẻ con niệm Phật một trăm vạn lần ở Địa Tạng Đường gần nhà, ăn no nê các đồ cúng tế rồi đi đến từng nhà nhảy múa ca hát để chúc phúc. Trước đây, vào dịp này, người ta còn tổ chức cả những việc như giải thích tranh vẽ về địa ngục.
Từ mùa thu sang mùa đông
Trung tâm của các sự kiện mùa thu là lễ hội thu hoạch. Ở khắp các vùng nông thôn, người ta tổ chức lễ hội mừng vụ mùa bội thu. Có nhiều nơi còn có kết hợp trẻ con cùng với người lớn tham gia rước mikoshi, diễu hành, nhảy múa... Không chỉ trong lễ hội mùa thu mà cũng có nơi, trẻ em đóng một vai trò quan trọng như là vai tiểu đồng.
Trong các sự kiện diễn ra từ mùa thu sang mùa đông, một lễ hội tiêu biểu với trẻ em là trung tâm là lễ hội Tokan’ya (Đêm ngày mùng 10) được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch ở vùng Kanto. Trẻ con làm những khẩu súng rơm, vừa đi vòng quanh vừa đập những khẩu súng rơm xuống dưới đất. Còn vùng Kansai lại nổi tiếng với lễ hội “Inoko” vào ngày Hợi tháng 10 âm lịch, trẻ em vừa đập gậy rơm xuống dưới đất vừa đi vòng quanh các nhà và hát “Hãy cho tôi bánh dày Inoko"; cũng có nơi trẻ em cầm viên đá Inoko vừa đập viên đá xuống dưới đất vừa đi khắp các nhà.
Giáo dục trẻ em
Trên đây tôi đã trình bày qua về các lễ hội trong một năm cũng như mối quan hệ giữa lễ hội và trẻ em. Bằng việc cùng tham gia với người lớn vào các lễ hội hay có lúc là chủ thể tiến hành lễ hội, trẻ em đã học được điều gì?
Hiệu quả lớn nhất là việc thông qua lễ hội, trẻ em dần ý thức được rằng mình là một thành viên của cộng đồng khu vực, bản thân mình rồi sẽ thành người lớn và thực hiện những công việc mà người lớn đang làm. Cùng với việc học về sự chuyển đổi giữa các mùa trong năm, trẻ em còn cảm nhận được việc nhà nông cũng như tất cả công việc khác đi cùng với nó và thông qua đó, nó sẽ phát huy hiệu quả to lớn trong việc xác lập bản sắc là thành viên của cộng đồng khu vực. Tham gia vào lễ hội còn là cơ hội để nuôi dưỡng tình cảm, thẩm mỹ của trẻ. Bởi lẽ trong cộng đồng dân gian, lễ hội là chỗ mà hoạt động thể hiện, biểu diễn được phát huy nhiều nhất.
Những đứa trẻ tham gia có nghĩa vụ phải luyện tập nhảy múa cũng như chơi nhạc. Trẻ em được yêu cầu phải có thể múa giỏi, thổi sáo hay đánh trống giỏi. Vấn đề được đòi hỏi nhất ở đây không phải là việc ai là người giỏi nhất mà là ai kém nhất và nâng người kém lên ngang bằng với trình độ của mọi người. Điều quan trọng là mọi người múa đều và không có ai bị lạc điệu. Đó là đánh giá có liên quan sâu sắc đến tính cộng đồng.
Hơn nữa, thông qua lễ hội, trẻ em cũng học được cảm giác về cái đẹp và cái xấu. Trẻ học bằng cách quan sát và so sánh những bộ quần áo đặc biệt chỉ có thể mặc vào ngày lễ, kiểu trang điểm khi có lễ hội, những vật dụng dùng trong lễ hội được trang trí đẹp đẽ... với những thứ thường ngày của bản thân...
Có điều, ngay cả sự đánh giá về cái đẹp và cái xấu cũng chịu sự chi phối của những quy tắc, định chế bắt nguồn từ các giá trị có tính cộng đồng hay cuộc sống thường ngày. Dù có là người đẹp đến thế nào, dù có hát hay đàn giỏi đến mấy nhưng nếu không thể làm những công việc của một người trưởng thành thì người đó cũng không được cộng đồng đánh giá cao. Điều được ưu tiên nhất ở đây là việc trở thành một người nông dân mạnh mẽ trong cuộc sống thường ngày.
Komatsu Kazuhiko
(Trích “Vài nét về tín ngưỡng và Văn hóa dân gian Nhật Bản”, sách “Bài giảng chuyên đề Nghiên cứu Nhật Bản – Lịch sử văn hóa - xã hội”, trang 184~189, Bộ môn Nhật Bản học – Khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội)