Lễ hội ở Nhật Bản
Thứ Sáu, 09/06/2023 02:47
Nhật Bản có nhiều ngày lễ và lễ hội được tổ chức quanh năm. Hầu kết các ngày lễ bây giờ được tính theo dương lịch, những cũng có những lễ hội được tính theo âm lịch. Hầu hết xuất xứ của các lễ hội ở Nhật Bản đều gắn với sự chuyển mùa, với các hoạt động nông nghiệp, hoặc những mong muốn về sự bình an, khỏe mạnh cho con người.
CÁC NGÀY LỄ HỘI TRONG NĂM
Năm mới (Shogatsu)
Cũng như tại nhiều nước trên thế giới, Năm mới (Shogatsu) là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Trước kia, Nhật Bản đón năm mới theo âm lịch giống Việt Nam và Trung Quốc, nhưng từ hàng trăm năm nay, người Nhật đón năm mới theo dương lịch. Trong đêm giao thừa, người Nhật ăn món mì trường thọ (toshikoshi soba), vào ngày mùng 1 tháng Giêng, các gia đình sum họp, uống sake, thứ rượu được coi là thuốc trường thọ, ăn món osechi cổ truyền và không thể thiếu món bánh dầy ăn cùng với món súp đặc biệt của ngày tết là ozoni (súp). Những ngày trước và sau Tết người ta thường gửi thiếp chúc tết đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Người ta cũng hay đi hái lộc ở các đền chùa để cầu an. Người Nhật cũng có phong tục chọn phương tốt để xuất hành đầu năm (hatsu moode), phong tục khai phương bút (kakizome) và phong tục mừng tuổi tiền (o toshi dama) cho trẻ con. Trong những ngày tết, họ trang trí cổng hoặc cửa ra vào bằng tre và cành thông và cái cổng chào này được gọi là kadomatsu.
Kadomatsu
Toshikoshi soba
Osechi
Tiết phân (Setsubun)Trước đây, từ Setsubun được dùng để chỉ bất cứ sự thay đổi mùa nào theo lịch cũ, nhưng ngày nay nó được dùng riêng cho ngày lập xuân, tức là ngày mùng 3 hoặc mùng 4 tháng Hai. Vào ngày này trong những gia đình, người ta tung những hạt đậu (đậu đã được rang khô) ra trước sân hoặc quanh nhà để đuổi ma quỉ và rước phúc lộc vào nhà, vừa tung đậu vừa hát: “Ma quỉ đi ra, phúc lộc vào nhà”.
Hội Hina (Hinamatsuri - lễ hội của bé gái hay còn gọi là ngày hội búp bê)
Hội này được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng Ba. Trong ngày này, các gia đình có con gái bày một bộ búp bê (Hina ningyo) tượng trưng cung đình xưa và uống một thứ sake trắng ngọt đặc biệt để mừng ngày hội và cầu chúc. Tại các trường học, các bé gái được tập làm những con búp bê Hina bằng giấy. Do ngày hội này vào dúng mùa hoa đào nở, nên người ta còn gọi là Momo no sekku (lễ hội hoa đào”).
Lễ Tảo mộ (Higan)
Cũng như người Việt Nam, người Nhật rất coi trọng mồ mả tổ tiên. Lễ Tảo mộ ở Nhật kéo dài suốt một tuần lễ quanh ngày Xuân phân (khoảng 21 tháng Ba) và Thu phân (khoảng 23 tháng Chín). Vào dịp này người ta đi tảo mộ và coi đây là những ngày thờ phụng tổ tiên.
Ngày Trẻ em (Kodomo no hi)
Xuất xứ của ngày hội này là lễ hội của các bé trai, nhưng ngày nay người ta gọi là ngày Trẻ em. Lễ hội này được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Năm và từ năm 1948 trở thành một ngày nghỉ của cả nước. Vào ngày này, các gia đình có con trai thường treo trước nhà những dải cờ hình cá chép nhiều màu sắc sặc sỡ, gọi là koinobori. Theo người Nhật, cá chép tượng trưng cho sức mạnh. Trong ngày hội này người ta ăn một thứ bánh đặc biệt làm từ gạo.
Lễ hội Tanabata
Xuất xứ của ngày hội này là dựa vào truyền thuyết về tình yêu giữa hai ngôi sao trong dải Ngân Hà và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết này vào ngày 7 tháng Bảy hai ngôi sao này gặp nhau nên người ta tổ chức lễ hội vào ngày này. Trong lễ hội này, người ta chặt những cành tre, trang trí lên đó những mẩu giấy màu sặc sỡ, và viết những ước mong của mình lên những băng giấy màu và treo lên cành tre đó.
Lễ hội Vulan (Obon)
Trước đây ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch, nhưng hiện nay nó được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy hoặc tháng Tám dương lịch, tùy theo từng địa phương. Ngày lễ này gần giống như ngày Xá tội vong nhân ở Việt Nam, là ngày mà theo người Nhật là dịp rước linh hồn tổ tiên về cúng giỗ. Nhiều nơi tổ chức vũ hội, múa các điệu múa cổ truyền (Bon odori). Vào thời gian lễ hội người ta treo cao những chiếc đèn lồng với mục đích là để hướng dẫn linh hồn người đã khuất trở về. Tại nhiều vùng, các đèn lồng còn thường được thả trôi trên sông. Vào dịp này, nhiều người Nhật sống hoặc làm việc ở xa thường về thăm quê hương, đi thăm mộ của những người thân.
Lễ hội nông nghiệp
Từ ngày xưa, các lễ hội nông nghiệp ở Nhật thường được tổ chức ở các vùng, với mục đích là cầu khấn cho một vụ mùa bội thu, hoặc là để cảm ơn thần linh đã cho một mùa màng thắng lợi và đồng thời cầu khấn một vụ mùa bội thu trong năm tới. Vào mùa thu, lễ hội mùa gặt được tổ chức và người ta dâng lên cúng thần thành quả đầu tiên của đồng ruộng. Khi có lễ hội, cả làng tham gia và ở nhiều nơi người ta tổ chức các xe diễu hành mang hình tượng của các vị thần đi qua các phố xá. Tại cung điện của Thiên Hoàng, đích thân Nhà Vua đóng vai người dâng những nông sản mới thu hoạch cho thần linh.
Lễ hội mùa hạ
Lễ hội mùa hạ được tổ chức với mục đích ngăn ngừa bệnh tật. Loại lễ hội này hiện nay vẫn được tổ chức đều đặn, và trong lễ hội, người ta tổ chức các thuyền diễu hành trang hoàng rực rỡ đi dọc theo các con sông, tiếp sau là những đoàn thuyền hộ tống.
Một trong những lễ hội mùa hạ lớn nhất Nhật Bản và hấp dẫn nhiều khách du lịch hàng năm là lễ hội Nebuta được tổ chức vào tháng Tám ở Aomori.
Các lễ hội địa phương
Ngoài các lễ hội kể trên, ở từng địa phương người ta cũng tổ chức những lễ hội của mình. Trong những lễ hội này các khu thương mại thường ganh đua với nhau để phô diễn sự giàu sang và tiêu xài rộng rãi của họ.
CÁC NGÀY LỄ Ở NHẬT
Tuy số ngày nghỉ của người lao động Nhật là ít so với các nước phát triển khác, nhưng bù lại, số ngày lễ hàng năm ở Nhật lại khá nhiều và vào những ngày lễ này, cả nước đều được nghỉ. Các ngày lễ chính là:
- Ngày Tết Tây (Shogatsu, mùng 1 tháng Một),
- Ngày Thành nhân (seijin no hi, trong vòng 2 tuần đầu tháng Một),
- Ngày Lập quốc (kenkoku no hi, 11 tháng Hai),
- Ngày Xuân phân (shunbun no hi, cuối tháng Ba),
- Ngày Màu xanh (midori no hi, 29 tháng Tư),
- Ngày Kỉ niệm Hiến pháp (kenpo kinen bi, mùng 3 tháng Năm),
- Ngày Trẻ em (kodomo no hi, mùng 5 tháng Năm),
- Ngày Biển (umi no hi, 20 tháng Bảy)
- Ngày Kính lão (keiro no hi, 15 tháng Chín),
- Ngày Thu phân (shubun no hi, cuối tháng Chín),
- Ngày Thể thao (taiiku no hi, mùng 8 tháng Mười),
- Ngày Văn hóa (bunka no hi, mùng 3 tháng Mười Một),
- Ngày Cần lao - Lao động (kin ro kansha no hi), ngày Cảm ơn những người lao động (23 tháng Mười Một),
- Ngày sinh của Thiên Hoàng ( 23 tháng Mười hai ).
(Theo “Nhật Bản – Đất nước, Con người, Văn học” – Ngô Minh Thủy và Ngô Tự Lập)
LỄ HỘI Ở NHẬT BẢN
Văn hóa sơ kì Heian
Mặc dù văn hóa Nhật Bản trong những năm đầu thời Heian về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Đường nên được gọi chung là văn hóa Đường phong, nhưng đây chính là thời kì các ảnh hưởng ngoại lai dần dung hợp với các yếu tố văn hóa bản địa để chuẩn bị cho sự ra đời của một nền văn hóa Nhật Bản đặc sắc.
Văn hóa Kofun (cuối thế kỉ III đến đầu thế kỉ VIII)
Phần 2: Văn hóa Yayoi
Ikebana không chỉ là biểu hiện truyền thống văn hoá Nhật Bản mà còn là hệ thống các giá trị thẩm mỹ, triết học được đúc kết lại từ tinh hoa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trên đất nước mặt trời mọc.