Nghệ nhân Sayutei Encho với nghệ thuật tấu hài Rakugo Cổ điển
Thứ Tư, 05/03/2025 03:37
MỞ ĐẦU
Trong thành công và sức sống của bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, không thể phủ nhận vai trò quyết định của cá nhân xuất sắc.
Sẽ không thể có diện mạo của kịch hát truyền thống No như ngày hôm nay nếu không có công lao của Kanami và Zeami, cũng như sân khấu kịch Kabuki sẽ thiếu đi sức hấp dẫn của nó nếu không có kịch gia Chikamatsu Monzaemon và những thế hệ diễn = viên Ichikawa Danjuro. Hình thành và phát triển cùng thời đại với kịch Kabuki, tuy quy mô bé nhỏ và hình thức giản dị, song tấu hài Rakugo là một loại hình không thể không nhắc đến trong kho tàng nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản. Sự khiêm tốn mà hấp dẫn kỳ lạ của tấu hài Rakugo, dù vượt thời gian 400 năm, vẫn thực sự cuốn hút hàng triệu khán giả hiện đại Nhật Bản.
Trải qua mỗi giai đoạn lịch sử, sức sống của tấu hài Rakugo lại gắn liền với nhiều tên tuổi khác nhau. Trong số đó, có một nhân vật mà cuộc đời và sáng tác của ông đã làm nên đỉnh cao của nghệ thuật tấu hài Rakugo. Ông là Sanyutei Encho (1839-1900), một nghệ nhân trình diễn và sáng tác Rakugo xuất chúng của giai đoạn cuối thời Edo và đầu thời Meiji. Sanyutei Encho được coi là người đặt dấu lặng hoàn hảo cho Rakugo cổ điển (Koten Rakugo) lúc này đã định hình đầy đủ về mọi phương diện nội dung và nghệ thuật, và mở ra thời đại mới cho Rakugo hiện đại (Shinsaku Rakugo) kể từ thời Meiji. Với Encho, tấu hài Rakugo dường như còn thịnh hành hơn và thay thế kịch nghệ Kabuki trong một thời gian dài bị chính quyền kiểm soát gắt gao. Đặc biệt hơn, ông là người có công lao to lớn trong sáng tạo ở nhiều thể loại tác phẩm Rakugo cổ điển và để lại nhiều kiệt tác đến tận ngày nay. Mặt khác, không chỉ đối với nghệ thuật tấu hài Rakugo, Encho còn là một văn nhân, trí thức xuất sắc có tầm ảnh hưởng quan trọng trong giới văn học-nghệ thuật, chính trị-xã hội đương thời, là nhà viết sử bằng các tác phẩm về xã hội Nhật Bản thời kỳ cuối Edo đầu Meiji. Điều đặc biệt khác ở Encho, ông là nghệ nhân Rakugo đầu tiên để lại nhiều di sản thành văn
giúp hậu thế nghiên cứu về bản thân mình và với những di sản đó, còn là nghệ nhân có công lao đầu tiên lưu giữ bằng văn bản một cách nguyên vẹn hình thái của những câu chuyện tấu hài Rakugo cổ điển, một loại hình văn học-nghệ thuật dân gian truyền khẩu.
Trong chuyến nghiên cứu tại Nhật Bản năm ngoái (2009), khi tới xem Rakugo tại Nhà hát Quốc gia Tokyo, tôi có điều kiện tham quan phòng trưng bày về lịch sử phát triển của nghệ thuật tấu hài Rakugo, trong đó phần lớn các tư liệu trưng bày là về cuộc đời và sự nghiệp của Encho và di bản một số tác phẩm truyện và tranh do ông sáng tác. Điều đó cho thấy vai trò và công lao to lớn của Sanyutei Encho, tác giả của hàng loạt các kiệt tác rất gần gũi như Botan doro (Đèn lồng hoa mẫu đơn), Shinkei kasanega fuchi (tạm dịch: Hồ ma), Bunshichi mottoi (Bunshichi kéo sợi) ... được chuyển thể thành công thành phim truyện và trình diễn trên sân khấu Kabuki mà ít người Nhật ngày nay, dù yêu thích Rakugo, biết tới. Bài nghiên cứu này tổng hợp và giới thiệu khái quát những hiểu biết và suy nghĩ của bản thân sau vài tháng ngắn ngủi bước đầu tìm hiểu về Encho. Tuy nhiên, trong trào lưu Rakugo đang thịnh hành tại Nhật Bản hiện nay, thiết nghĩ sự gợi nhớ về một tài năng, về vai trò và ảnh hưởng của Sanyutei Encho từ một khán giả nước ngoài yêu thích Rakugo có một ý nghĩa nhất định. Đây cũng là nền tảng bước đầu cho việc đi sâu nghiên cứu về Sanyutei Encho và thời Meiji, một đề tài hay nhưng chưa được nghiên cứu nhiều mà tác giả đang nung nấu trong tương lai sắp tới.
1. RAKUGO CỔ ĐIỂN - SỰ NGHIỆP TRỌN ĐỜI ĐỐI VỚI SANYUTEI ENCHOSanyutei Encho (1839-1900), tên thật là Izubuchi Jirokichi, cha là nghệ nhân chơi đàn có tên tuổi, nghệ danh Tachibanaya Entaro thuộc môn phái của nghệ nhân Rakugo Sanyutei Ensho đời thứ hai.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình và môi trường nghệ thuật, những câu chuyện Rakugo đã thấm đẫm trong tâm khảm và tình cảm cậu bé Jirokichi từ lúc nào không hay. Lần đầu tiên được ngồi diễn trên bục koza của Rakugo khi mới tròn 7 tuổi, cậu được cha đặt cho nghệ danh là Shoenta. Tuy còn non nớt về vốn sống và khả năng giao tiếp với khán giả, một đòi hỏi đặc thù của tấu hài Rakugo, song cậu đã bộc lộ một năng khiếu kể chuyện và một niềm yêu thích vô điều kiện với loại hình nghệ thuật này. Lo rằng cậu bé Jirokichi sẽ trở thành một nghệ sĩ phóng đãng giống cha, mẹ và người anh cùng cha khác mẹ tìm mọi cách định hướng cuộc sống cho cậu qua nhiều trải nghiệm như học việc trong gia đình thương nhân, theo học họa sư nổi tiếng, học trường chùa... song đều không thành công. Bước vào môn phái của Sanyutei Ensho đời thứ hai do mong muốn của người cha và sự ủng hộ của nhiều người cùng giới nghệ thuật, Jirokichi nhỏ tuổi mặc nhiên chấp nhận trở thành một nhà kể chuyện chuyên nghiệp, một sự nghiệp trọn đời vừa ngẫu nhiên vừa bị sắp đặt để rồi sau này trở thành một tên tuổi lỗi lạc của nghệ thuật tấu hài Rakugo. Dấn thân vào con đường nghệ thuật, nhiệt huyết và nỗ lực khổ luyện của cậu bé đã thuyết phục người anh trai sau này hết lòng ủng hộ hoạt động nghệ thuật của em mình. Bên cạnh đó, những trải nghiệm công việc khó nhọc đầu đời dù không trở thành sự nghiệp, nhưng đã cung cấp vốn sống, trau dồi khả năng xây dựng không gian và nhân vật, cũng như năng lực tả thực sống động, góp phần không nhỏ vào thành công trong các màn diễn và sáng tác của Encho sau này.
Trưởng thành trong môn phái của Sanyutei Ensho đời thứ hai, song tài năng của ông đã từng được bậc thầy Kokontei Shinsho đời thứ nhất, người sáng lập phái Kokontei, nhìn nhận “vượt xa thầy Ensho” và mời về phái của mình. Tuy nhiên, chịu ơn và chấp nhận thái độ ganh ghét cùng những ứng xử tệ bạc của thầy, Shoenta quyết định ở lại phái của Ensho, chăm chỉ tập luyện, bởi vậy chỉ mới 11 tuổi đã được nâng cấp độ thành futatsume.
Sự nghiệp Rakugo của Encho trải qua nhiều sóng gió buổi đầu. Cuộc sống gia đình nghèo khó và không ổn định do phải nhiều lần chuyển chỗ ở, sức khỏe yếu... và đặc biệt ứng xử tệ bạc của người thầy do ghen tỵ với tài năng của người học trò trẻ tuổi như những kiểm nghiệm tài năng, nhiệt huyết và nhân cách của ông. Thầy Ensho, dù biết Shoenta đã kỳ công chuẩn bị, song nhiều lần diễn trước màn diễn của trò khiến Shoenta không khỏi liên tiếp gặp nhiều thất bại. Thoát ly khỏi phái của Sanyutei Ensho và đoạn tuyệt quan hệ với thầy, thậm chí hai gia đình cũng trở nên vô cùng lạnh nhạt, nhưng sau này, khi biết tin Ensho lâm bệnh và không một học trò dù thân tín nhất bên cạnh, Shoenta đã tới thăm nom, chăm sóc và thường xuyên gửi tiền, quà. Luôn coi Ensho là Onshi (Người thầy chịu ơn) của mình, chính Shoenta là người đứng ra tổ chức tang lễ và chu cấp đời sống cho ba người con gái của Ensho trong suốt 6 năm. Điều đó càng đáng khâm phục và quý trọng hơn khi biết rằng Shoenta mới là một thiếu niên tuổi chưa đầy 20. Sự thoát ly của Shoenta dù ở tuổi nhỏ không hề cản trở việc phát triển sự nghiệp của ông, ngược lại còn chứng tỏ khả năng độc lập của ông, cũng đồng thời là một động lực to lớn mở đầu cho sự nghiệp sáng tác đặc sắc sau này.
2. DẤU ẤN CỦA ENCHO TRONG THỂ LOẠI SHIBAI - BANASHI (TRUYỆN KỊCH NGHỆ)Tuy không theo đuổi con đường hội họa mà mẹ và anh trai đã định hướng, song kinh nghiệm theo học họa sư dòng tranh Ukiyo là Utakawa Kuniyoshi (học trò xuất sắc của họa sư nổi tiếng Utakawa Toyokuni đời thứ nhất) đã giúp Shoenta hàng ngày tự mình vẽ phông cảnh và chuẩn bị đạo cụ, một điều hiếm có đối với một nhà kể chuyện, góp phần tạo nên những màn diễn rất thành công, tiếng vang đầu tiên của Encho trong thể loại truyện kịch nghệ, thể loại được ưa chuộng thay thế kịch Kabuki lúc này đang bị chính quyền cấm đoán nghiêm ngặt.
17 tuổi, Shoenta tới viếng mộ sư tổ phái Sanyu là Sanyutei Ensho đời thứ nhất, người đã làm nên một thời kỳ cực thịnh của Rakugo ở Edo, cũng đồng thời là ông tổ của thể loại truyện kịch nghệ có sử dụng nhạc điệu. Đứng trước ngôi mộ, Shoenta trẻ tuổi, tài năng và đầy nhiệt huyết, đã cất cao lời thể danh dự quyết khôi phục Rakugo phái Sanyu, lúc này đang suy giảm dưới thời của người thầy Sanyutei Ensho đời thứ hai. Hành động này đã chứng tỏ một tải năng lạ thường, một tính cách mạnh mẽ quyết đoán ở một thiếu niên nhỏ tuổi. Lời thể hẳn đã theo suốt cuộc đời và sự nghiệp của Encho.
Cũng 17 tuổi, ông được thừa nhận là nhà kể chuyện Rakugo cấp độ cao nhất shinuchi. Tuy vậy, dù tài năng đến đâu thì thành công cũng không đến một cách dễ dàng. Để có khán giả, y đã phải nhờ cậy nghệ nhân chơi nhạc Katsura Bunka cùng diễn hay chấp nhận diễn ở bất kỳ sàn diễn yose nhỏ và nghiệp dư nào và phải trải nghiệm nhiều thất bại. Thậm chí, để duy trì lượng khán giả, ông đã từng một thời gian giảm tới gần nửa giá vé vào cửa khi bắt đầu có một số khách nhất định. Trận động đất lớn thời Ansei (1854) xảy ra ngay giữa màn diễn đã gián đoạn cuộc sống và sự nghiệp của ông. Chuyển nơi ở mới cũng đồng nghĩa với việc tạo dựng quan hệ mới, chỗ đứng và khán giả mới. Sau đó là nhiều nỗ lực không ngừng với những sàn diễn mới dù chỉ được tham gia diễn vào trước giờ nghỉ giữa các màn diễn âm nhạc của nghệ nhân Katsura Bunraku. Nhẫn nại làm việc với đạo cụ và phông màn tự vẽ, những buổi diễn thể loại truyện kịch nghệ và truyện ma của Shoenta lúc thất bại, lúc lại rất được hoan nghênh.
Tuy vậy, khi đang rất thành công ở mảng truyện kịch nghệ, chuẩn bị được tiếp nối nghệ danh Sanyutei Ensho sau thầy dạy của mình, Shoenta bỗng chốc từ bỏ thể loại này, truyền lại mọi câu chuyện và đạo cụ biểu diễn cho học trò là Sanyutei Enyu, người sau này được tiếp nhận nghệ danh Sanyutei Ensho đời thứ ba, và chuyển hoàn toàn sang mảng câu chuyện thuần túy không đạo cụ su-banashi với những sáng tác riêng thuộc nhiều thể loại.
3. SÁNG TÁC CỦA ENCHO - ĐỈNH CAO CỦA THỂ LOẠI NINJO - BANASHI (TRUYỆN XÃ HỘI)Tác phẩm đầu tay – truyện ma Kasanegafuchi kounichi kaidan (tạm dịch là Hồ ma) ra đời từ sự đối phó với những ứng xử tệ bạc của người thầy Ensho, được ông trình diễn với đạo cụ của thể loại kịch nghệ. Kể từ đó, Encho sáng tác rất nhiều ở mọi thể loại Ninjo-banashi (truyện tình người, hay còn được hiểu là truyện xã hội, khai thác những vấn đề đời sống), Kaidan-banashi (truyện ma), Denki (truyền ký), Honan (chuyển thể tác phẩm nước ngoài) ... Đặc biệt ở hai thể loại truyện xã hội và truyện ma, ông đã để lại những kiệt tác của nghệ thuật tấu hài Rakugo cổ điển như Botandoro (Đèn lồng hoa mẫu đơn), Shinkei Kasanega Fuchi (tạm dịch: Hồ ma), Kajikazawa (Vùng đất Kajikazawa), Bunshichi mottoi (Anh Bunshichi kéo sợi), Shinigami (Thân chết), Shiobara Tasuke ichidaiki (tiểu sử Shiobara Tasuke)...
Điều đáng lưu ý, các cốt truyện vốn hầu hết không phải của Encho nhưng chỉ với dấu ấn của Encho thể hiện trong những gia công, sáng tạo về tình huống, tình tiết, nhân vật, bối cảnh... được khai thác ngay trong xã hội đương thời, đã trở thành những danh tác có sức sống mạnh mẽ. Vẫn những tình tiết hài hước, lối chơi chữ tài tình, những đối thoại sinh động đời thường, song không giống thể loại câu chuyện gây cười thuần túy otoshi-banashi, tất cả các tác phẩm của Encho, dù ở thể loại nào, cũng đều mang tính chất của thể loại truyện xã hội, lột tả những vấn đề xã hội phức tạp, phản ánh đời sống tâm lý, tình cảm, những xung đột nội tâm của con người đương thời. Encho được tôn vinh là bậc thầy của ninjo-banashi, thể loại tác phẩm thách thức lớn nhất đối với bất kỳ nghệ nhân Rakugo nào, và cũng với ninjo-banashi, Encho là người tạo nên đỉnh cao của Rakugo cổ điển cuối Edo đầu thời Meiji.
Về chất liệu, như đã trình bày, phần lớn các sáng tác của Encho đều có nguyên gốc du nhập từ văn học cổ điển Trung Quốc hoặc ở Nhật Bản, song cái hồn, sức sống của tác phẩm lại nằm ở kho tàng chất liệu phong phú được tác giả khai thác từ ngay chính đời sống xã hội của người bình dân Edo-Tokyo và nhiều vùng miền trên nước Nhật, những tình tiết, sự kiện, nhân vật và bối cảnh có thực thời cuối Mạc Phủ đầu Meiji. Kho tàng chất liệu đó là thành quả của nhiều nỗ lực và trải nghiệm công việc thu lượm từ rất nhiều hành trình xa xôi suốt dọc Nhật Bản từ Hokkaido, Niigata, Joshu (tỉnh Gunma ngày nay) đến Osaka, Yamaguchi..., bằng mối quan hệ rộng rãi và năng lực ghi nhận tuyệt vời những điểu tai nghe mắt thấy. Mặt khác, tuy bước sang thời đại mới Meiji, song những mô-típ điển hình của văn học cổ điển Edo vẫn có ảnh hưởng rõ rệt, và có thể nói về cơ bản, tất cả các sáng tác của Encho đều đậm phong vị Edo.
Về tinh thần của các sáng tác, tuy đan xen nhiều yếu tố hài hước, thư giãn, song toát lên trong toàn bộ các tác phẩm là cái nhìn trực diện các mối quan hệ mâu thuẫn, giằng xé, những bi kịch gia đình và xã hội: Tình yêu bị ngăn cấm hoặc khước từ, tự tử hoặc cùng chạy trốn vì tình yêu (truyện Shiobara Tasuke Ichidaiki, Ezo kokyono iezuto...), báo thù, tự sát, âm mưu và tội ác (truyện Botan doro...), sát hại người thân, ám sát kẻ thù, và tình yêu giữa hậu duệ của kẻ thù (truyện Shinkei Kasane ga fuchi, ....) - những nghịch lý ngang trái, song suy ngẫm lại thấy cái hợp lý, sâu sắc của quan niệm nhân quả ứng báo, luân hồi, trong tư tưởng Phật giáo, sự thấm đẫm những bài học về luân lý cuộc đời mà Encho vô cùng tâm đắc.
Botan doro (Đèn lồng hoa mẫu đơn), kiệt tác tiêu biểu nhất của Encho, là một câu chuyện ma có tình tiết rất phức tạp, xoay quanh tình yêu giữa một võ sĩ vô chủ tên là Hagiwara Shinsaburo và cô con gái Otsuyu của đại gia Iijima Heizaemon. Mối duyên không thành, Otsuyu lâm bệnh chết, và đêm đêm, hồn ma cô gái và người hầu gái Okome trong ánh đèn lồng hình hoa mẫu đơn mờ tỏ với tiếng guốc geta koron karan hiện về tìm người yêu. Mãi sau này, nhờ người hầu Hanzo phát hiện, Shinsaburo mới biết và xin nhà sư bức tượng Hải Âm Như Lai và lá bùa hộ mệnh. Hanzo bị hồn ma mua chuộc, lén bóc lá bùa và ăn trộm cả bức tượng nên Shinsaburo bị hồn ma giết. Hanzo sợ hãi mang theo tiền vàng và bức tượng quý bỏ trốn về quê cùng vợ là Omine, mở một cửa hiệu khá sầm uất. Còn đại gia Iijima Heizaemon khi còn là một võ sĩ hatamoto đã từng nổi giận giết một võ sĩ vô chủ tên là Kurokawa Kozo vì bị ông này xúc phạm lúc đang say. Vợ mất, ông ta lấy người hầu là Okuni. Okuni thông dâm với một võ sĩ hàng xóm là Genjiro và cùng lập mưu giết Heizaemon. Âm mưu này bị người hầu cận mới của Heizaemon là Kosuke (là con trai của võ sĩ vô chủ mà ông đã từng giết) phát hiện và định trừng trị nhưng Kosuke lại giết nhầm Heizaemon. Trong phút lâm chung, Heizaemon sám hối câu chuyện ngày xưa và bình thản trút hơi thở. Chạy trốn cùng người tình, Okuni tới đúng quê nhà của Hanzo và bị Hanzo theo đuổi. Bị Omine ghen tuông, Hanzo sát hại vợ. Hồn ma Omine nhập vào hầu gái, bị một kẻ lang thang tên Shijo biết chuyện, bởi vậy đã cùng liên kết với nhau. Genjiro lu loa về chuyện của vợ, định đến tống tiền Hanzo thì bị Hanzo đuổi đánh. Hanzo và Shijo cùng bị bắt khi đang đi đào tìm bức tượng quý. Kosuke gặp lại mẹ trên đường tìm vợ chồng Genjiro và Okuni để báo thù và tình cờ biết được rằng Okuni chính là chị gái cùng mẹ khác cha. Mẹ Kosuke giúp hai người bỏ trốn rồi tự sát. Kosuke sau khi báo thù thành công, quay về gây dựng lại gia đình Iijima. Như có thể thấy, cốt truyện của tác phẩm, ngoài sự phức tạp, éo le của các mối quan hệ và cách xử trí lên tới cực điểm của các nhân vật, hầu như không mới lạ, bởi vậy điều làm nên sức cuốn hút của tác phẩm chính là phương pháp biểu hiện. Encho đã sử dụng một cách nhuần nhuyễn hình thức trình diễn và đối thoại sinh động đặc trưng của Rakugo cổ điển, kết hợp với năng lực tả thực, xây dựng và triển khai tình tiết, miêu tả tâm lý hết sức tinh tế được đánh giá là vượt trội so với tiểu thuyết đương thời. Bên cạnh đó, khác với hình thức ngắn nhỏ của các câu chuyện Rakugo thông thường, phần lớn các tác phẩm của Encho đều có quy mô lớn, mang hình thức tiểu thuyết chương hồi, được diễn nối tiếp nhau.
Đặc trưng sáng tác của Encho, thành công vượt trội trong thể loại truyện xã hội có thể được lý giải phần nhiều từ xuất thân và cuộc đời của ông. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân luôn muốn đổi đời, người cha được gửi nuôi trong một gia đình võ sĩ, song sống phóng đãng, lang bạt nên bị cha nuôi đoạn tuyệt. Mẹ của Encho là con gái một gia đình trí thức nhưng đã trải qua một lần hôn nhân không hạnh phúc và một đứa con trai riêng. Tuổi thơ ấu trong một gia đình khốn khó hầu như vắng bóng người cha, mọi lo toan của gia đình đổ dồn lên đôi vai tần tảo của mẹ, và khi trưởng thành, đổ vỡ trong hạnh phúc riêng và nỗi phiền muộn đeo đẳng về người con trai bất trị, suốt cuộc đời hầu như không yên ổn trong bối cảnh chung của xã hội..., những nỗi bất hạnh trong cuộc sống từ sớm đã hình thành trong Encho một nhãn quan đặc biệt về nhân tình thế thái, năng lực thụ cảm sâu xa những trăn trở, uẩn khúc, dục vọng... của con người. Bên cạnh đó, tình thương, sự tần tảo của người mẹ, sự đức độ và tận tụy của người anh cùng mẹ khác cha là chiếc nôi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và tác phẩm Encho. Đặc biệt, cuộc sống giữa không gian chùa chiền và những bài giảng Phật giáo Thiền tông mà người anh là nhà sư đem lại trong suốt những năm tháng chung sống, tuy không thật sung túc, song thanh tịnh và hiền hòa, cũng chính là môi trường ra đời những tác phẩm xuất sắc thời kỳ đầu của ông như Đèn lồng hoa mẫu đơn hay Hồn ma... Và sau này, tinh thần Phật giáo Thiền tông càng chín muồi trong các sáng tác kể từ mối thâm tình với chính trị gia đồng thời là nhà tư tưởng Thiền học nổi tiếng Yamaoka Tesshu (1836-1888).
Trong bối cảnh xã hội thời Meiji đang chuyển mình mạnh mẽ, lẽ dễ hiểu, con người có xu hướng tìm đến những loại hình giải trí đơn giản như một cách giải thoát bản thân khỏi những căng thẳng cuộc sống. Thể loại otoshi-banashi gây cười thuần túy dễ dàng đáp ứng nhu cầu tâm lý đó, bởi vậy trở nên đặc biệt thịnh hành đương thời. Tuy vậy, tên tuổi và tác phẩm của Encho, nghệ thuật đích thực và đỉnh cao của Rakugo cổ điển vẫn là một tồn tại đáng kính trọng. Với thể loại truyện xã hội ninjo-banashi, Encho đã tạo nên một diện mạo mới, sâu sắc và hoàn thiện cho Rakugo cổ điển thời Meiji.
4. SÁNG TÁC CỦA ENCHO VỚI THỜI KÌ CUỐI EDO ĐẦU MEIJIMột điều khá đặc biệt về cuộc đời Encho là ngẫu nhiên nằm trọn giữa bước chuyển của hai thời kỳ đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản, nửa đầu cuối thời Edo, và nửa sau đầu thời Meiji. Bởi vậy, là một con người của thời đại chịu ảnh hưởng của nhiều biến động, ông cũng đồng thời là người chứng kiến, ghi nhận và hơn nữa có ảnh hưởng lịch sử nhất định từ góc nhìn và tầm vóc của một trí thức, văn nghệ sĩ danh tiếng đương thời. Tuy vậy, ngoài một số tác phẩm như Sanyutei Encho của Nagai Hiroo, Encho no Meiji (Meiji thời Encho) của Yano Seiichi hay Encho no sekai (Thế giới của Encho) - tuyển tập các bài viết kỷ niệm 100 năm ngày mất của Encho, chưa có nhiều nghiên cứu về đề tài này.
Nhật Bản thời Meiji là quốc gia duy nhất ở Châu Á sôi sục chuyển mình, nhiệt tình học tập văn minh Phương Tây nhằm chấn hưng một quốc gia hiện đại. Giới trí thức và văn nghệ sĩ thức thời và nhạy cảm nhất với những biến đổi mãnh liệt của thời cuộc. Bên cạnh hoạt động dịch thuật và xuất bản các tác phẩm phương Tây là một phong trào sáng tác văn học lấy hình mẫu là những yếu tố văn học, biểu hiện và đời sống của Phương Tây, nổi tiếng với những tác giả như Natsume Soseki hay Futabatei Shimei... Đồng thời, văn học Meiji cũng trở thành phương tiện phản ánh hữu hiệu xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau: phê phán, thu thập tư liệu, tuyên truyền, giáo dục... Trong trào lưu đó, là một trí thức, văn nhân danh tiếng, có ảnh hưởng nhất định, Encho cũng đồng thời là một tác gia truyện tích cực với hàng hoạt các tác phẩm nổi tiếng mang nhiều tính chất.
Với mảng văn học chuyển thể từ tác phẩm nước ngoài (hon-an), đó là các sáng tác ở nhiều hình thức khác nhau: Eikoku koshi Jo-ji Sumisu no den (truyện kể về Hoàng tử George Smith nước Anh) – đơn thuần lấy cảm hứng từ câu chuyện của hoàng tử nước Anh song nội dung hoàn toàn sử dụng bối cảnh, nhân vật và sự kiện của Tokyo thời sau Meiji Duy tân, tác phẩm Eikoku joo Ilizabesu den (truyện kể về Nữ hoàng Anh Elizabeth) chủ yếu sử dụng chất liệu nhân vật, bối cảnh, tình huống Phương Tây, kết hợp với một số yếu tố Nhật Bản như Phật giáo, hay tác phẩm Meijin Choji (Ông Choji nổi tiếng) hoàn toàn mang phong vị Nhật Bản nhưng khai thác chất liệu từ tiểu thuyết Giết cha của Guy de Maupassant và đặc biệt là sự học tập kỹ thuật viết tiểu thuyết Phương Tây...
Năm 1886, Encho tham gia đoàn tháp tùng các quan chức chính quyền Meiji đi thị sát Hokkaido. Không chỉ với tư cách một nhà kể chuyện Rakugo được yêu thích, mà quan trọng hơn, chùm tác phẩm lấy cảm hứng về Hokkaido sau chuyến đi đã trở thành một kho tư liệu quý về vùng đất mới. Ở Ezo nishiki kokyono iezuto (Quà quê từ Ezo (tên gọi cũ của Hokkaido)), chỉ với cách đặt tên tác phẩm, Encho đã khiến Hokkaido, vùng đất xa xôi hầu như chưa được biết đến, trở nên gần gũi và thân quen hơn với độc giả và khán thính giả. Dù vẫn mô-típ văn học Edo, nhưng những đổi thay trong đời sống đã được cập nhật, trong đó đáng kể là những mô tả về cơ sở y tế, bệnh viện của Nhật Bản buổi đầu thời Meiji. Nối tiếp Ezo nishiki kokyono iezuto, tác phẩm Chinsetsu Ezo namari là sự mô tả rất ý nghĩa hành trình bằng tàu biển chạy bằng hơi nước của các nhân vật suốt từ Yokohama (Tokyo) đến Hokkaido, quang cảnh của Sapporo (thủ phủ của Hokkaido), các phong tục, lê thói, địa danh, sự tiếp xúc với người bản địa Ainu, thậm chí là câu chuyện bị gấu dữ tấn công (lấy tư liệu từ chính sự kiện có thật từ chuyến thị sát). Sự kết hợp tài tình những yếu tố hư, thực đã tạo nên sức cuốn hút của các tác phẩm, thành công của Encho cũng như chính quyền Meiji.
Còn với tác phẩm Shiobara Tasuke Ichidaiki (Tiểu sử Shiobara Tasuke), Encho đã xây dựng một câu chuyện kết hợp khéo léo giữa những chất liệu của thể loại truyện xã hội với một phần cốt truyện được khai thác từ chính cuộc đời thật của nhân vật Shiobaraya Tasuke (1743-1816). Tác phẩm có tiếng vang lớn như một thành công cho việc cổ xúy tư tưởng giáo dục đề cao ý thức vươn lên thay đổi địa vị xã hội và phục hưng gia tộc. Với ý nghĩa giáo dục đó, Tiểu sử Shiobara còn được sử dụng như một nội dung về văn học trong sách giáo khoa thời Meiji. Tinh thần này cũng được biết đến qua nhiều câu chuyện được Encho kể lại trên bục koza của sân khấu Rakugo như nỗ lực vươn lên của người con gái thứ tư của Shibue Chusai (1805-1858) - một thầy thuốc, Nho giả nổi tiếng trong chính quyền Mạc phủ. Sau cái chết của cha, gia sản khuynh bại, nhưng kể từ sau Meiji Duy tân, tuy chỉ là một thiếu nữ trẻ nhưng cô đã tự mình đứng ra mở một cửa hiệu buôn đường và kinh doanh thành đạt.
Các tác phẩm của Encho liên tục được chuyển thể thành kịch bản kabuki và kịch nói, xuất bản thành sách, hoặc đăng thường kỳ trên các báo, điều hiếm thấy đối với bất kỳ kịch gia, tiểu thuyết gia nào, chưa nói đến đó là một nghệ nhân tấu hài Rakugo. Điều đó cũng đủ nói lên sự hâm mộ to lớn dành cho Encho, cũng như ảnh hưởng mạnh mẽ của ông trên văn đàn và trong đời sống xã hội Nhật Bản đương thời.
Tác phẩm Tiểu sử Shiobara Tasuke được chuyển tác và công diễn liên tục trong những năm Meiji 20 (1888~) trên nhiều sân khấu kabuki ở hai trung tâm Tokyo và Osaka, và thật thú vị, bên cạnh sách tốc ký của câu chuyện do Encho kể, kịch bản sân khấu của tác phẩm cũng được xuất bản ngay sau đó và sự xuất hiện của diễn viên kabuki nổi tiếng Onoue Kikugoro trong vai chính Tasuke càng khiến tác phẩm thêm cuốn hút. Chỉ như vậy cũng đủ thấy sức hấp dẫn của tác phẩm của Encho, hay ít nhất là vai trò và ảnh hưởng của Encho trong giới nghệ thuật và đời sống xã hội lúc bấy giờ. Những tác phẩm tràn đầy hơi thở cuộc sống đương thời đáp ứng mong mỏi của khán giả đã thế chỗ những kịch bản cũ kỹ. Như vậy, có thể nói, Encho đã góp phần đem lại một sức sống mới cho sân khấu kịch nghệ Kabuki. Tiếp nối thành công vang dội của Tiểu sử Shiobara Tasuke là sự xuất hiện của Botan doro (Đèn lồng hoa mẫu đơn) trên khắp các sàn diễn kịch nghệ. Quảng cáo cho việc công diễn được kịch tác gia kiêm tiểu thuyết gia nổi tiếng đương thời là Okamoto Kido (1872-1939) ghi nhận "... lớn chưa từng có... Khắp nơi trong thành phố Tokyo, người ta trẹo đèn lồng trên các quán. Họ trông những chậu hoa mẫu đơn lớn ghi tên sàn diễn và tác phẩm Botan doro. Vào lễ Obon, họ phát cho người đi lễ những chiếc quạt vẽ hình đèn lồng hoa mẫu đơn và trong lễ Khai xuyên thả trôi sông tới 2000 chiếc đèn lồng hoa mẫu đơn...!"1 Vở diễn hầu như trung thành tuyệt đối với nguyên gốc truyện của Encho và hội tụ sự tham gia của nhiều kịch gia và nghệ sĩ nổi tiếng đương thời như Fukuchi Ochi, Kawatake Shinshichi, Ichikawa Yaozo và Onoue Kikugoro.
Có thể thấy, với Encho, các tác phẩm Rakugo cổ điển đã vượt xa khỏi tính chất hài hước thuần túy, chứa đựng những giá trị văn học, nghệ thuật và lịch sử-xã hội to lớn, mang một sức sống, sức cuốn hút, và có ảnh hưởng thật sự mạnh mẽ.
5. ENCHO TRONG NỀN VĂN HÓA, VĂN HỌC NHẬT BẢN THỜI MEIJISokkibon (sách tốc ký) với sự hình thành hình thức văn học hiện đại Nhật Bản
Một điều đáng quý khi nghiên cứu về Encho, khác với các nghệ nhân danh tiếng trước đó như Shikano Buzaemon, Utei Enba hay Sanshotei Karaku dù được ghi chép lại về những tài năng và công lao to lớn nhưng di sản hầu như bị thất truyền do hình thức lưu giữ duy nhất là truyền khẩu, Encho đã để lại một kho di sản là những sokkibon - bản tốc ký những màn diễn của mình. Hơn nữa, vào đầu thời Meiji khi công nghệ xuất bản phục vụ giới độc giả bình dân chưa thịnh hành, những bản tốc ký các tác phẩm như Đèn lồng hoa mẫu đơn hay Tiểu sử Shiobara Tasuke được xuất bản và phát hành vào mỗi thứ bảy hàng tuần với lượng bán chạy vô cùng lớn, không chỉ góp phần vào sự thịnh vượng của các sàn diễn kịch nghệ kabuki, bản thân chúng có một ý nghĩa xã hội to lớn. Với các bản tốc ký, Encho đã đưa ngôn ngữ đời sống, văn học và nghệ thuật dân gian vào trong các xuất bản văn học chính thống điều chưa từng có trước đó, và góp phần mở rộng cơ hội đón nhận các giá trị văn hóa cho công chúng bình dân.
Nghệ thuật kể chuyện và tốc ký của Encho có tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong xã hội, đặc biệt là giới trí thức, văn học, xuất bản và báo chí thời Meiji. Trong đó, những người có công lao xây dựng ngành tốc ký buổi đầu, cũng đồng thời đóng góp to lớn vào việc phổ biến các loại hình nghệ thuật biểu diễn thời Meiji qua các sách tốc ký là Wakahayashi Kanzo và Sakai Shozo là những người đã trực tiếp dày công dự các màn trình diễn và tốc ký nhiều tác phẩm của Encho, đặc biệt là các danh tác như Đèn lồng hoa mẫu đơn, Truyện kể về Hoàng tử nước Anh. Thán phục sự điêu luyện, tự nhiên và chân thực của văn bản truyện Đèn lồng hoa mẫu đơn, người đứng đầu giới văn học đương thời là Tsubouchi Shoyo (1859-1935) đã giới thiệu tác phẩm tới người em kết nghĩa, tiểu thuyết gia nổi tiếng Futabatei Shimei (1864-1909) để tham khảo và sáng tác nên cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của Nhật Bản Ukigumo (Đám mây phù thế) - mở đầu cho sự hình thành văn phong hiện đại Nhật Bản hợp nhất văn nói và văn viết (được biết đến với tên gọi genbun ichitai (ngôn văn nhất trí thể)). Như vậy, vượt ngoài mong đợi của Encho, các văn bản tốc ký ghi lại các câu chuyện bằng lời kể và lời thoại của chính Encho không chỉ là một kho tư liệu quý để nghiên cứu về tài năng xuất chúng của ông, mà còn chính là cơ sở cho sự hình thành văn phong hiện đại Nhật Bản, một đóng góp vô cùng lớn của ông đối với nền văn học nước này.
Sanyutei Encho – danh nhân văn hóa lớn thời đại Meiji
Với tài năng, đóng góp và nhân cách của mình, vượt ra khỏi phạm vi của giới nghệ thuật, điều dễ hiểu, Encho còn là một nhà văn hóa lớn với mối quan hệ và tầm ảnh hưởng sâu rộng. Như có thể thấy vai trò của những sáng tác của Encho trong việc quảng bá tư tưởng giáo dục thời đại, hay tuyên truyền cho chính sách khai hoang của chính quyền đối với đảo Hokkaido.
Cùng với những sáng tác, Encho đã truyền cảm hứng và phương tiện biểu hiện tới một thế hệ trí thức và văn nghệ sĩ Nhật Bản đương thời. Ngoài tiểu thuyết gia Futabatei Shimei như vừa đề cập, có thể kể đến nhà văn - nhà báo gốc Anh Koizumi Yakumo (tên thật Rafcadio Hearn (1850-1904)) trong các sáng tác thuộc thể loại kaidan-banashi (truyện ma), hay nhà văn - nhà báo kiêm dịch giả tiểu thuyết trinh thám Kuroiwa Ruiko (1862-1920) trong thể loại trinh thám được chuyển thể từ các tác phẩm nước ngoài là những nhân vật nổi tiếng trên văn đàn Meiji ít nhiều chịu ảnh hưởng của Encho. Đặc biệt, tiểu thuyết gia lỗi lạc Natsume Soseki (1867-1916) với tuổi thơ ấu gắn bó với các tác phẩm của Encho, được nhắc đến nhiều bởi có nhiều tương đồng với Encho ở phong cách văn học của thể loại ninjo-banashi (truyện xã hội) và đặc trưng ngôn ngữ văn học sáng tạo nên cách viết mới, sinh động cho các từ ngữ tiếng Nhật, như một cách chơi chữ, trên cơ sở vận dụng linh hoạt năng lực biểu ý của chữ Hán.
Và cũng hiếm có một nhân vật nào lại có quan hệ sâu rộng và cao quý như Encho: từ những kịch gia, nhà báo nổi tiếng như Fukichi Ochi (1841- 1906), nghệ nhân shamisen Ogie Royu, diễn viên kịch kabuki nổi tiếng Onoue Kikugoro tới những nhà chính trị và tài phiệt thế lực như Bộ trưởng Ngoại giao Inoue Kaoru (1835-1915), đại tư sản thương nghiệp Shibuzawa Eiichi (1840-1931)... Trong đó, Sandai-banashi no Kai (Hội Kể chuyện ba đề tài), một không gian giải trí và đàm đạo tập hợp những nhân vật nổi tiếng ở mọi giới mà Encho là một thành viên rất tích cực, góp phần đóng vai trò cầu nối cho những mối quan hệ hữu hảo đó. Đặc biệt, mối quan hệ thân thiết và ảnh hưởng về tư tưởng Thiền tông từ chính khách quan trọng của chính quyền Meiji, nhà tư tưởng Thiền học Yamaoka Teshu (được đề cập ở trên) không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho nhân cách và sáng tác, mà còn đóng vai trò to lớn là bệ đỡ cho vị thế xã hội và chính trị của Encho. Có thể thấy, những quan hệ sâu rộng đó không chỉ có ảnh hưởng to lớn tới các sáng tác cũng như vị thế của Encho, mà rộng hơn, còn giúp nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của giới nghệ nhân Rakugo nói chung.
TẠM KẾT
Sanyutei Encho là nghệ danh đặc biệt và duy nhất mà chưa một nghệ nhân Rakugo tài năng thời sau nào có thể kế thừa. Với tài năng xuất chúng và nhân cách cao quý, ông là nhân vật được kính trọng và yêu mến nhất trong giới nghệ nhân Rakugo, đồng thời được coi là một trong những người có công lao hàng đầu trong lịch sử phát triển của loại hình nghệ thuật này. Năm 2000, một đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày mất của Encho đã được tổ chức; Bên cạnh đó, hàng năm, đám giỗ của Encho được tất cả giới Rakugo tổ chức trọng thể tại khu mộ Zenshoan của ông đặt tại Tokyo là những điều đặc biệt duy nhất dành cho Encho.
Không chỉ là một nghệ nhân kể chuyện Rakugo tài ba, có sức cuốn hút đặc biệt, ông còn được đánh giá là một tiểu thuyết gia có năng lực sáng tác xuất sắc ở mọi thể loại Rakugo, đặc biệt trong thể loại đỉnh cao ninjo-banashi (truyện xã hội) với một nhãn quan sâu sắc, kho tàng chất liệu phong phú, và những thủ pháp nghệ thuật tài tình. Đặc biệt, với kỹ thuật tốc ký, ông là nghệ nhân đầu tiên để lại cho hậu thế một di sản các tác phẩm Rakugo bằng văn bản không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về bản thân ông nói riêng, Rakugo cổ điển nói chung, mà còn đóng góp quan trọng cho sự hình thành hình thức văn học hiện đại Nhật Bản.
Với nhiều ý nghĩa, vượt khỏi phạm vi của Rakugo cổ điển và giới nghệ thuật, Sanyutei Encho là một chân dung văn hóa lớn thời đại cuối Mạc Phủ Edo đầu thời Meiji nói riêng, nền văn hóa Nhật Bản nói chung.
Quan tâm tới văn hóa Nhật Bản và nghệ thuật tấu hài Rakugo trong nhiều năm, nhưng phải đến bây giờ khi trực tiếp nghiên cứu về Sanyutei Encho, tôi mới bắt đầu thực sự hiểu về tài năng, vai trò và tầm ảnh hưởng của ông. Tuy vậy, còn biết bao điều cần đào sâu nghiên cứu về Encho và thời đại của ông mà tôi mong muốn tiếp tục thực hiện trong tương lai sắp tới. Với bài nghiên cứu nhỏ này, tôi hy vọng không chỉ có cái nhìn sâu rộng hơn về nghệ thuật tấu hài Rakugo cổ điển, một loại hình nghệ thuật có nhiều nét gần gũi với văn nghệ dân gian Việt Nam, một nét văn hóa Nhật Bản tôi yêu thích, mà còn muốn bước đầu tìm hiểu về một danh nhân văn hóa lớn của Nhật Bản - Sanyutei Encho, đồng thời qua cuộc đời và tác phẩm của Encho, hiểu biết sâu sắc và toàn diện hơn về thời đại cuối Mạc Phủ Edo đầu Meiji - một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử-văn hóa Nhật Bản.
Nguyễn Dương Đỗ Quyên
(Trích “Bài giảng chuyên đề Nghiên cứu Nhật Bản – Lịch sử văn hóa - xã hội”, trang 103~115, Bộ môn Nhật Bản học – Khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội)
Mặc dù nền kinh tế của Nhật Bản đã có những thay đổi lớn lao nhờ thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao sau chiến tranh, nhưng xã hội Nhật Bản cho đến nay vẫn là xã hội lấy nông nghiệp làm nền tảng, ngoại trừ các thành phố lớn.
Bảy vị thần phúc (shichikujin) là một nhóm các vị thần mỗi khi Tết đến thường xuất hiện đây đó trên tivi, báo, tạp chí... cầu chúc năm mới may mắn cho mọi người.
MỞ ĐẦU
Trong thành công và sức sống của bất kỳ lĩnh vực nghệ thuật nào, không thể phủ nhận vai trò quyết định của cá nhân xuất sắc.
Nhiều cuộc cách mạng nghệ thuật bắt đầu một cách tình cờ, không phải bởi các lý thuyết gia được trọng vọng, mà bởi các tác giả bên lề, thậm chí không chuyên. Một ví dụ là những cuộc cách mạng văn chương do phụ nữ khởi đầu.
Hai chữ “Nhật Bản” trong quốc hiệu Nhật Bản đã xuất hiện từ bao giờ và như thế nào, ý nghĩa của tên gọi này là gì?