Tên gọi "Nhật Bản" ra đời từ khi nào?
Thứ Sáu, 03/01/2025 04:53
Hai chữ “Nhật Bản” trong quốc hiệu Nhật Bản đã xuất hiện từ bao giờ và như thế nào, ý nghĩa của tên gọi này là gì?
Ngày nay, “Nhật Bản” được biết đến trên thế giới với tư cách là quốc hiệu của nước Nhật hiện đại. Tuy nhiên, trong Hiến pháp Nhật Bản (còn gọi là Shinkempo, Tân Hiến pháp) ban hành ngày 3 tháng 11 năm Showa 21 (1946) và chính thức được thi hành ngày 3 tháng 5 năm sau, không có một quy định nào về tên gọi “Nhật Bản”. Bản Tân Hiến pháp này vốn được chỉnh sửa từ Hiến pháp Đại đế quốc Nhật Bản (còn gọi là Kyukempo, Cựu Hiến pháp) ban hành ngày 11 tháng 2 năm Meiji thứ 22 (1889), thi hành ngày 29 tháng 11 năm sau, nhưng trong Cựu Hiến pháp, cũng không có bất cứ quy định nào liên quan đến tên gọi “(Đại) Nhật Bản”. Ngay sau khi Cựu Hiến pháp ra đời, bộ sách Giải thích Hiến pháp (Kempo gige, Hiến pháp nghĩa giải) đã được biên soạn, nhưng những người chịu trách nhiệm biên soạn chính của bộ sách này như Ito Hirobumi cũng không quan tâm đến việc giải thích tên gọi “(Đại) Nhật Bản”. Có thể thấy trong cả hai bản Cựu và Tân Hiến pháp, nội dung được ưu tiên quan tâm hơn là việc qui định Thiên hoàng có vai trò như thế nào ở Nhật Bản. Nói cách khác, dường như những người biên soạn hiến pháp muốn lấy việc xác định vị trí của Thiên hoàng để thay thế cho qui định về quốc hiệu Nhật Bản.
Bản thân hai chữ “Nhật Bản” được phát âm như thế nào cũng là cả một vấn đề. Hiện nay, trong bộ tiền giấy do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản phát hành hay trên các con tem của Công ty Bưu chính Nhật Bản, chúng ta thường thấy cách đọc “Nippon”. Song song với tên gọi đó, người Nhật cũng sử dụng cách đọc “Nihon”. Xung quanh vấn đề này, không tồn tại một cách giải thích thống nhất. Trong hộ chiếu hay bản dịch tiếng Anh của Hiến pháp Nhật Bản, người ta dịch tên gọi “Nhật Bản” thành “Japan”. Một số người cho rằng "Nippon" hay "Nihon” là phát âm tiếng Nhật, phân biệt với “Japan” là tiếng Anh, nhưng đây không phải là một cách giải thích chính xác. Tất cả các cách đọc trên đều bắt nguồn từ cách phát âm hai chữ Hán “Nhật Bản” trong tiếng Trung (chữ “Nhật” theo Hán âm đọc là "Jitsu”, theo Ngô âm đọc là “Nichi”).
Vậy tên gọi “Nhật Bản” đã xuất hiện từ bao giờ? Như sẽ trình bày ở phần sau, cách viết “Nhật Bản” chắc chắn đã được sử dụng từ TK VIII. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là từ TK VIII, “Nhật Bản” đã trở thành quốc hiệu có định và duy nhất, được thừa nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới. Hiện nay, nhiều người cho rằng danh xưng “Nhật Bản” được đưa ra nhằm thay thế cho tên gọi “Oải quốc” (Wakoku), song sự thật không phải như vậy.
Ví dụ, vào giữa TK IX, một nhà địa lý học người Ả-rập là Ibn Khordadbeh đã gọi Nhật Bản là “Wakwak”, cách gọi này bắt nguồn từ “Wakoku” (Oải quốc). Trong sách Chư phiên chí do Triệu Nhữ Quát biên soạn vào năm Bảo Khánh nguyên niên (1255) đời Nam Tống, ở cuối phần Chí quốc, Triệu Nhữ Quát đã lập một mục riêng với tiêu đề là “Oải quốc”. Với vị trí là Trưởng quan Thị bạc ty của lộ Phúc Kiến đặt tại Tuyên Châu (nay là thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), có nhiệm vụ quản lý hoạt động giao thương ở khu vực Nam Hải, Triệu Nhữ Quát đã tham khảo rất nhiều loại bản đồ và thư tịch². Triệu Nhữ Quát đặt tên mục là “Oải quốc” chứ không phải là “Nhật Bản (quốc)” với tư cách là một bộ phận của mạng lưới giao thương Nam Hải. Tuy nhiên, Triệu Nhữ Quát có trích dẫn một số tài liệu của Trung Quốc và ghi chú thêm là hiện nay (tức là vào TK XIII - ND), Oải quốc còn có tên hiệu là “Nhật Bản quốc”. Về nguồn gốc tên gọi “Nhật Bản”, một mặt, Triệu Nhữ Quát giải thích do nước đó nằm ở gần phía mặt trời mọc, mặt khác lại viết do nước đó “ghét tên gọi cũ” (ác cựu danh cải chi) nên đổi sang tên “Nhật Bản”. Qua hai ví dụ này, có thể thấy sau TK VIII, “Oải (quốc)” vẫn là quốc hiệu thông dụng của Nhật Bản tại khu vực Tây Á và miền Nam Trung Quốc trong một thời gian dài.
Ngoài ra, quần đảo Nhật Bản cũng được nhắc đến trong Il Milione (Tập du hành ký của Marco Polo (1254 – 1324) – một thương nhân người Venezia, Ý). Tập du hành ký này có rất nhiều bản chép tay và bản in cổ, trong đó, Nhật Bản được gọi dưới những cái tên như “Chipangu", "Cipngu”, “Sypangu”. Như vậy, danh xưng Nhật Bản được truyền tới Châu Âu dưới những tên gọi như "Chipangu”, “Cipngu”, “Sypangu”; những cái tên này đều xuất phát từ cách phát âm hai chữ Hán “Nhật Bản” trong tiếng Trung Quốc, chúng là nguồn gốc cho tên gọi “Japan” về sau này.
Có thể thấy tên gọi và cách đọc “Nhật Bản” hay “Oải” đã được truyền bá từ Trung Quốc đến các vùng khác trên thế giới. Đây cũng là nguồn gốc dẫn đến những thay đổi trong cách viết và cách đọc hai chữ “Nhật Bản”. Vậy tình hình ở quần đảo Nhật Bản thì như thế nào? Vào thời kỳ Heian, kéo dài từ TK IX đến TK XII, chúng ta thấy trong một số trường hợp, người Nhật tự gọi nước mình là “Oải” hoặc “Hòa” để phân biệt với Trung Quốc là “Hán”; hoặc tự gọi mình là “bản triều” nhằm phân biệt với Ấn Độ là “Thiên Trúc” và Trung Quốc là “Chấn Đán” (theo các sách Hòa danh loại tụ sao, Hòa Hán lãng vịnh tập, Kim tích vật ngữ tập).
Bước sang thời kỳ Kamakura, một nhà tôn giáo nổi tiếng là sư Shinran (Thân Loan, 1173 - 1262) đã biên soạn Hòa tán (các sách truyền giáo có nội dung dễ hiểu cho dân chúng). Trong các cuốn sách này, Shinran đã sử dụng các tên gọi “Nhật Bản”, “Nhật Bản quốc”, “Đại Nhật Bản quốc” song song với các danh xưng “Hòa quốc” và “Hòa triều”. Một bản Hòa tán có chú thích thêm về tên gọi này như sau “nhật thiên hạ thành thần, ỷ thủ ngô quốc danh Nhật Bản”, có nghĩa là “mặt trời từ trên trời hạ xuống biến thành thần linh, theo vậy mà gọi nước ta là Nhật Bản”¹. Tuy nhiên, cách giải thích này của Shinran không giống với giải thích về nguồn gốc cách đặt tên Nhật Bản trong sách Chư phiên chí mà chúng tôi đã trình bày ở phần trước. Nó cũng khác với cách giải thích khi tên gọi “Nhật Bản” bắt đầu được sử dụng mà chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn ở phần sau.
Ngoài ra, một nhà thơ – tác giả văn học nổi tiếng là Yoshida Kenko (1283? - ?) có biên soạn tác phẩm Tsurezuregusa (Đồ nhiên thảo). Trong tác phẩm này, ông so sánh “Đường thổ” và “Hòa quốc”, nhưng lại không nhắc đến tên gọi “Nhật Bản”.
Một ví dụ tiêu biểu khác là Từ điển Nhật – Bồ. Đây là cuốn từ điển do Hội Dòng chúa Giêsu của Nhật Bản phát hành năm Khánh Trường 8 (1603) cho mục đích truyền đạo Thiên chúa, giải thích các từ vựng tiếng Nhật được sử dụng trên quần đảo Nhật Bản khi đó bằng tiếng Bồ Đào Nha. Trong cuốn từ điển này có các mục từ như “lippon" (Jippon, gốc của Mặt trời), “Nifon” (Nihon), "Nippon" (Nippon), qua đó chúng ta biết được tại Nhật Bản khi đó tồn tại 3 tên gọi, hay nói cách khác là 3 cách phát âm chữ “Nhật Bản”. Ngoài ra, tiêu đề nguyên gốc của sách ghi "Japam".
Không chỉ có vậy, trong cuốn từ điển này còn lập mục từ “Vacovu” (Wakoku) và giải thích là “Oải quốc, Hòa quốc. Nhật Bản. Đồng nghĩa với Nippon”. Ngoài ra, chúng ta còn thấy các mục từ như “Vacho” (Hòa triều, Nhật Bản), “Foncho” (Bản triều, Nhật Bản), "Yamato” (Đại Hòa, một tỉnh của Nhật Bản. Cũng có thể hiểu là toàn bộ Nhật Bản). Như vậy, trên quần đảo Nhật Bản khi đó tồn tại song song rất nhiều tên gọi như “Oải quốc”, “Hòa quốc”, “Hòa triều”, “Bản triều”, “Đại Hòa” bên cạnh các cách phát âm khác nhau của hai chữ “Nhật Bản”. Có thể thấy số lượng các tên gọi và cách đọc hai chữ “Nhật Bản” trên quần đảo Nhật Bản đa dạng, thậm chí có thể nói là hỗn loạn hơn rất nhiều so với tình trạng dùng song song “Nhật Bản (quốc)” và “Oải (quốc)” ở Trung Quốc cũng như tại các khu vực khác.
Qua những giới thiệu khái quát ở trên, có thể thấy cách viết và cách phát âm quốc hiệu “Nhật Bản” chỉ được cố định hóa và thống nhất từ thời Meiji trở đi, nói một cách cụ thể hơn là kể từ năm 1890, khi Cựu Hiến pháp (Hiến pháp Đại Đế quốc Nhật Bản) được ban hành. Tuy nhiên, có thể nói cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự làm rõ được những sự thực lịch sử xung quanh tên gọi “Nhật Bản”, cách xuất hiện, ý nghĩa cũng như những vấn đề về mặt ngữ nghĩa và phát âm của tên gọi này.
Nói như thế không có nghĩa là trước đây, chưa hề có cuộc thảo luận nào xung quanh tên gọi “Nhật Bản”. Có thể thấy dấu vết của một số cuộc thảo luận về vấn đề này trong các buổi giảng sách Nhật Bản thư kỷ - bộ sử hoàn thành năm Dưỡng Lão 4 (720)¹. Mặc dù các buổi giảng sách Nhật Bản thư kỷ được tiến hành một cách không liên tục, nhưng chúng ta có thể tìm thấy một số tranh luận về tên gọi Nhật Bản trong các buổi giảng sách vào giai đoạn tiền kỳ Heian (TK IX – X). Tuy nhiên, cùng với tiến trình lịch sử, đã xuất hiện thêm nhiều cách giải thích khác về tên gọi “Nhật Bản”, mà ví dụ tiêu biểu là chú thích “nhật thiên hạ thành thần” của Shinran.
Vậy cách viết và tên gọi “Nhật Bản” đã ra đời từ khi nào?
Trước tiên, chúng tôi muốn lưu ý đến đoạn “Oải quốc canh hiệu Nhật Bản, tự ngôn cận nhật sở xuất, dĩ vi danh” trong ghi chép tháng 12 năm 10 đời Văn Võ Vương, kỷ Tân La của Tam quốc sử ký – bộ sử sớm nhất hiện còn lưu giữ được về (bán đảo) Triều Tiên. Nếu ghi chép này là thật thì tên gọi “Nhật Bản” đã xuất hiện từ năm thứ 6 đời Thiên hoàng Tenji (Thiên Trí, 670). Tuy nhiên, bản thân Tam quốc sử ký lại được hoàn thành sau đó rất lâu, vào năm 1145 (năm thứ 3 đời vua Nhân Tông của Cao Ly), do vậy ghi chép này không đáng tin cậy. Nó bắt nguồn từ việc các soạn giả của Tam quốc sử ký đã hiểu lầm một đoạn văn bản trong sách Tân Đường thư, phần Nhật Bản truyện, hoàn thành năm Tổng Gia Hữu 5 (1060). Trong Tân Đường thư, sau các sự kiện năm Hàm Hưởng nguyên niên (670) có câu “canh hiệu Nhật Bản, sứ giả tự ngôn, quốc cận nhật sở xuất, dĩ vi danh”. Khi đọc câu này, soạn giả của Tam quốc sử ký đã tưởng lầm đây là một sự kiện của năm Hàm Hưởng nguyên niên (năm 10 đời Văn Võ Vương của Cao Ly) nên đã chép vào phần tương ứng trong Tam quốc sử ký. Như vậy, ghi chép của Tam quốc sử ký là không chính xác.
Tiếp theo, chúng tôi muốn xem xét bài ca số 44 trong quyển 1 Vạn diệp tập (Manyoshu). Theo phần tả chú, bài ca này được sáng tác vào năm trị vì thứ 6 (năm Chu Điều 6 Nhâm Thìn) của Thiên hoàng Jito (Trì Thống), khi xa giá của Thiên hoàng ngự đến Ise. Trong phần tả chú có đoạn “Nhật Bản năng bất sở kiến, quốc viễn kiến khả vẫn”, nghĩa là “vì cách xa Ise nên không thể nhìn thấy Nhật Bản”. Nếu ghi chép này là đúng, hai chữ “Nhật Bản” đã xuất hiện từ năm 692. Căn cứ vào nội dung, có thể thấy hai chữ “Nhật Bản” trong bài không phải là từ chỉ cả quần đảo Nhật Bản, mà chỉ được sử dụng để chỉ nơi xuất phát của đoàn ngự giá là kinh đô (khi đó là cung Asuka Kiyomihara), hoặc rộng hơn là vùng đất đặt kinh đô khi đó (tức là vùng bồn địa Yamato). Xung quanh cách phiên âm hai chữ “Nhật Bản”, có thể tham khảo đoạn thứ 4, phần Thần đại của sách Nhật Bản thư kỷ, trong đó hai chữ “Nhật Bản” đã được phiên âm là "Yamato" (Gia Mã Đằng). Phần Oải quốc truyện của sách Tùy thư cũng viết “đô ư Tà Mi Đôi (Yamato)", nghĩa là kinh đô đặt tại “Yamato”. Như vậy, tồn tại cách sử dụng hai chữ Hán “Nhật Bản” để biểu thị vùng đất Yamato.
Hiện nay, chúng ta không tìm thấy một tư liệu nào có niên đại sớm hơn sử dụng hai chữ “Nhật Bản”. Tuy nhiên, tiếp sau ghi chép trong Vạn diệp tập, có thể tìm thấy hai chữ “Nhật Bản” trong bộ Lệnh Đại Bảo (Taiho ryo) được ban hành năm Đại Bảo nguyên niên (701). Hai chữ “Nhật Bản” chỉ xuất hiện 1 lần duy nhất trong qui định về hình thức chiếu thư của Thiên hoàng, thuộc phần Công thức lệnh. Chiếu thư là văn bản truyền đạt suy nghĩ của Thiên hoàng liên quan đến những vấn đề đại sự và có tính lâm thời. Lệnh Đại Bảo qui định có 5 hình thức chiếu thư, trong đó hình thức thứ nhất được qui định phải mào đâu như sau “Minh thần ngự vũ Nhật Bản Thiên hoàng chiếu chỉ”. Đây là hình thức chiếu thư sử dụng trong trường hợp truyền đạt những công việc đại sự cho các “lân quốc” (ví dụ như nhà Đường) hay “phiên quốc” (ví dụ như nước Tân La thống nhất). Qui định này nhiều khả năng là sự kế thừa qui định của bộ lệnh được biên soạn trước đó là Lệnh Phi Điểu Tình Ngự Nguyên (Asuka Kiyomihara ryo). Giả thuyết này nếu đúng cũng không mâu thuẫn với nội dung phần tả chú của Vạn diệp tập cho rằng bài thơ có hai chữ “Nhật Bản” được viết vào năm 692.
Tuy nhiên, hiện nay chưa tìm thấy được bất cứ một trường hợp xác thực nào về việc sử dụng hình thức chiếu thư thứ nhất. Có lẽ hình thức này đã không được áp dụng trong thực tế. Nếu đúng là như vậy, bản thân qui định này ngay từ đầu, hoặc nếu nhìn từ mặt kết quả, chỉ là một qui định hoàn toàn lý thuyết và không mang tính thực tế. Vậy tại sao người ta lại phải tạo ra một qui định sẽ không được sử dụng như vậy? Có thể nói, ngày từ khi mới ra đời, tên gọi “Nhật Bản” đã bị bao phủ bởi rất nhiều vấn đề khó giải thích.
Vào thời điểm hiện nay, ít nhất chúng ta có thể chỉ ra 2 điểm xung quanh vấn đề này. Thứ nhất, hình thức chiếu thư thứ nhất là loại chiếu thư theo thể văn “tuyên mệnh” (semmyo) - tức là thể văn viết bằng chữ Hán để có thể đọc lên bằng tiếng Nhật. Vậy vấn đề đặt ra ở đây là hai chữ “Nhật Bản” trong phần mào đầu khi đọc lên sẽ được phát âm như thế nào? Liệu trong trường hợp này, người cổ đại có đọc 2 chữ đó là Yamato hay không?
Thứ hai, phải giải thích như thế nào về những chiếu thư theo hình thức thứ nhất chép trong sách Nhật Bản thư kỷ. Theo Nhật Bản thư kỷ, trong chiếu thư tuyên đọc cho sứ giả Cao Cú Ly và Bách Tế ngày Bính Tý tháng 7 năm Đại Hóa 2 có viết “Minh thần ngự vũ Nhật Bản Thiên hoàng chiếu chỉ”. Trong chiếu thư qui định về “chung quỹ” (tức nghi thức gióng chuông, cất các loại giấy tờ thể hiện ý kiến hay sự bất bình của dân chúng vào rương của triều đình), phần mào đầu tuy có khác một chút nhưng viết là “Minh thần ngự vũ Nhật Bản Oải Căn Tử Thiên hoàng”. Ngoài ra, trong ghi chép vào tháng 4 năm trị vì thứ 2 của Thiên hoàng Kimmei, cũng có nhắc đến một bức chiếu thư – “Nhật Bản Thiên hoàng sở chiếu” gửi cho vua của Bách Tế xung quanh vấn đề đất Kaya (hay thường gọi là “Mimana”) trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, có thể khẳng định những hình thức chiếu thư chép trong sách Nhật Bản thư kỷ không phải là thứ đã được sử dụng trên thực tế vào các năm Đại Hóa 2 hay trị vì thứ 2 của Thiên hoàng Kimmei (533). Trong quá trình biên soạn, các soạn giả của Nhật Bản thư kỷ đã căn cứ vào các qui định về hình thức chiếu thư trong phần Công thức lệnh của Lệnh Đại Bảo năm 701 (hoặc sớm hơn là qui định trong Lệnh Phi Điểu Tĩnh Ngự Nguyên) để tạo ra các văn bản chiếu thư trong Nhật Bản thư kỷ. Chính vì vậy mà các bức chiếu thư này có cách diễn đạt thống nhất với nhau. Mặt khác, có một điểm đáng lưu ý là các soạn giả của Nhật Bản thư kỷ đã tuân thủ cách thức sử dụng mà Lệnh Đại Bảo qui định về hình thức chiếu thư thứ nhất, đó là áp dụng hình thức này với các nước “lân quốc” và “phiên quốc”. Như vậy, mặc dù không có tính thực tế, song các qui định của Lệnh Đại Bảo ít nhất cũng được thi hành trên giấy tờ trong quá trình biên soạn Nhật Bản thư kỷ. Đây là một đặc trưng của Nhật Bản thư kỷ - cuốn sách đã mang chữ “Nhật Bản” trong tiêu đề của mình. Trong khi đó, chúng ta hoàn thành không thấy hai chữ “Nhật Bản” trong Cổ sự ký – cuốn sách được hoàn thành 8 năm trước Nhật Bản thư kỷ.
Trong trường hợp sách Nhật Bản thư kỷ, cho dù chỉ là áp dụng về mặt lý thuyết, song đối tượng sử dụng của hình thức thứ nhất – “phiên quốc” ở đây chỉ có hai nước Cao Cú Ly và Bách Tế của thời kỳ Tam quốc trên bán đảo Triều Tiên, không có Tân La. Nói ngược lại, các soạn giả của Nhật Bản thư kỷ đã không sáng tạo ra một văn bản chiếu thư theo hình thức thứ nhất cho đối tượng là nước Tân La thời Tam quốc (tiến thân của nước Tân La thống nhất).
Lý do có thể là vào thời Tam quốc Triều Tiên, giữa Tân La và Oải quốc không có trao đổi ngoại giao bằng văn bản. Cũng có thể là trong giai đoạn từ cuối TK VII đến TK VIII, các văn bản trao đổi ngoại giao giữa Oải quốc và Tân La thống nhất có hình thức khác với qui định về hình thức chiếu thư trong hệ thống luật pháp, điều này đã cản trở các soạn giả của Nhật Bản thư kỷ tạo ra một văn bản chiếu thư theo hình thức thứ nhất cho đối tượng là Tân La. Trong khi đó, do Cao Cú Ly và Bách Tế đã bị diệt vong trước thời điểm hình thành các qui định về hình thức chiếu thư trong chế độ luật lệnh, không còn gì ngăn cản soạn giả của Nhật Bản thư kỷ sáng tạo các văn bản theo hình thức chiếu thư thứ nhất cho các nước này.
Đối với trường hợp bản chiếu thư qui định về nghi thức “chung quỹ”, đúng là bản chiếu thư này không dành cho đối tượng là nhà Đường như qui định trong luật lệnh. Tuy nhiên, nó lại mang tính cách Trung Quốc hết sức sâu đậm, trích dẫn rất nhiều điển cố và thư tịch Trung Quốc. Do vậy, có thể coi đây là một trường hợp ngoại lệ, phản ánh các hình thức chiếu thư tương tự sử dụng hai chữ “Nhật Bản”. Nó cho thấy hai chữ “Nhật Bản” đã được sử dụng khi người viết ý thức về vị trí của Trung Quốc, và về việc Nhật Bản nằm trong tầm ảnh hưởng của nền văn hóa chữ Hán của Trung Quốc.
Bản thân cách viết hai chữ “Nhật Bản” cũng là hiện tượng không phổ biến. Trong buổi giảng sách Nhật Bản thư kỷ vào năm Thừa Bình 6 (936), có ý kiến cho rằng tên hiệu “Nhật Bản” đã có từ thời Tấn Huệ đế (Tư Mã Trung) nhưng không rõ căn cứ¹. Trong vốn từ vựng Hán ngữ đến thời điểm đó không tồn tại cách viết hai chữ “Nhật Bản”. Giả sử nếu tồn tại đi chăng nữa, chỉ có thể coi chúng là trường hợp mang tính ngoại lệ. Trong Hán ngữ có các từ như “nhật hạ”, “nhật biên”, “nhật vực”, nhưng hai chữ “nhật bản” chỉ được sử dụng để chỉ nước Nhật (hoặc Tân La) mà thôi.
Như vậy, “Nhật Bản” nguyên gốc là một thuật ngữ do chính người Oải tạo ra trên cơ sở chữ Hán, hoặc ít nhất, nó cũng là một từ vựng hoàn toàn không thông dụng tại Trung Quốc vào khoảng năm 700. Từ “Nhật Bản” theo kiểu Hán ngữ đã được xuất khẩu ngược từ quần đảo Nhật Bản vào nhà Đường (Chu), quá trình này nằm trong chiến lược của Oải quốc khi đó nhằm đưa đất nước gia nhập vào cộng đồng thế giới Đông Á.
Shinkawa Tokio
(Trích “Bài giảng chuyên đề Nghiên cứu Nhật Bản – Lịch sử văn hóa - xã hội”, trang 11~17, Bộ môn Nhật Bản học – Khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội)
Hai chữ “Nhật Bản” trong quốc hiệu Nhật Bản đã xuất hiện từ bao giờ và như thế nào, ý nghĩa của tên gọi này là gì?
Văn hóa sơ kì Heian
Mặc dù văn hóa Nhật Bản trong những năm đầu thời Heian về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Đường nên được gọi chung là văn hóa Đường phong, nhưng đây chính là thời kì các ảnh hưởng ngoại lai dần dung hợp với các yếu tố văn hóa bản địa để chuẩn bị cho sự ra đời của một nền văn hóa Nhật Bản đặc sắc.
Văn hóa Kofun (cuối thế kỉ III đến đầu thế kỉ VIII)
Phần 2: Văn hóa Yayoi