Tìm hiểu lịch sử văn hóa Nhật Bản (phần 3)

Thứ Tư, 17/01/2024 02:58
Văn hóa Kofun (cuối thế kỉ III đến đầu thế kỉ VIII)
 Từ cuối thế kỉ III, những ảnh hưởng về hình thức mai táng của lục địa đã được thủ lĩnh và vua của các tiểu quốc áp dụng. Họ cho đắp những gò mộ lớn trên mặt đất, gọi là kofun (cổ phần, tức gò mộ lớn). Kofun có nhiều hình dáng như tròn, vuông, trên tròn dưới vuông, trước vuông sau tròn. Trong đó, loại trước vuông sau tròn có qui mô lớn nhất và được coi là loại mộ cổ điển hình của Nhật Bản. Dựa vào đặc điểm về hình dáng, qui mô, cấu trúc của mộ cổ và các đồ tùy táng mà người ta chia văn hóa kofun làm ba thời kì chính là tiền kì, trung kì và hậu kì.
Vào tiền kì văn hóa kofun, khoảng cuối thế kỉ III đến đầu thế kỉ IV, mộ cổ thường được đắp dựa vào địa hình gò đồi tự nhiên. Trên mặt gò mộ, người ta phủ đá và xếp những hàng tượng đất sét gọi là haniwa theo nhiều vòng từ đỉnh đến gò. Haniwa có nhiều hình dáng khác nhau như hình ống, hình người mặc áo giáp, động vật, công cụ, hay mô hình nhà cửa, thuyền bè... và là các hiện vật khảo cổ học và mỹ thuật có giá trị, giúp chúng ta hình dung về sinh hoạt của người Nhật đương thời.
Xác thủ lĩnh hay vua được đặt trong quan tài bằng đá hoặc quan tài bằng gỗ, xung quanh có quách bằng đất sét. Huyệt được đào ở trên đỉnh của gò mộ. Thành huyệt được xếp đá. Phía trên quan tài cũng phủ đá rồi mới lấp đất. Trong quan tài còn có các đồ phụ táng như gương đồng, kiếm, ngọc, các nông cụ và vũ khí... Điều tra khảo cổ tại những gò mộ loại trước vuông sau tròn cho thấy huyệt của thủ lĩnh được đặt ở đỉnh gò cao hình tròn phía sau, còn phần gò vuông hình tứ giá phía trước là nơi tiến hành các nghi lễ thờ cúng. Sự xuất hiện các kofun có qui mô lớn và phân bố khá tập trung ở khu vực tây nam Nhật Bản, từ khu vực Kinki đến vùng biển Nội Seto, cho thấy sự có mặt của một thế lực chính trị lớn ở đây vào thế kỉ IV.
Tiếp đó, các mộ cổ có niên đại từ cuối thế kỉ IV đến cuối thế kỉ V đã phân bố rộng dần lên phía đông bắc Nhật Bản, đánh dấu thời kì phát triển hưng thịnh của văn hóa kofun. Vào thời kì này, những gò mộ lớn như những quả núi được đắp lên ở giữa vùng đồng bằng bằng cách đào những hào nước rộng và sâu xung quanh và lấy đất đắp mộ. Đặc biệt ở vùng Kinki tập trung nhiều quần thể mộ cổ lớn, gồm một đến vài chục mộ, mỗi mộ dài hơn 100m. Gò mộ lớn nhất là Daisen (Đại Tiên) hay còn gọi là Nintoku ryo (Nhân Đức lăng) ở Osaka dài tới 486m, cao 35m, tổng diện tích là 150 vạn mét vuông. Quanh mộ có 3 vòng hào. Ước tính nếu mỗi ngày có 1000 nhân công lao động xây mộ thì phải mất khoảng 4 năm mới xây xong ngôi mộ này.
Đồ phụ táng trong các mộ cổ thời kì này rất phong phú. Các loại đồ gốm gồm gốm kiểu Yayoi và gốm Sueki có màu tro. Đồ gốm thời kì này được nung bằng lò theo kĩ thuật truyền từ Triều Tiên sang khoảng giữa thế kỉ V nên cứng và chất lượng tốt hơn, Đồ kim loại chủ yếu là gương, đạc, dụng cụ cưỡi ngựa, vũ khí, đồ trang sức và nông cụ bằng đồng, sắt. Trong số các nông cụ tìm thấy trong các di chỉ mộ cổ thời kì này có nhiều lưỡi cày, cuốc bằng sắt hình chữ U có lưỡi sắc.
Sự xuất hiện nhiều đồ tùy táng là vũ khí và dụng cụ cưỡi ngựa cho thấy sự giàu có của các chủ nhân và tình trạng đấu tranh giành quyền lực đã trở nên gay gắt. Có thể đầu thế kỉ V, thế lực chính trị và tôn giáo, cùng với tài sản trên một phạm vi rộng lớn đã được tập trung ở vùng Yamato (thuộc các tỉnh Osaka và Nara ngày nay). Một quốc gia cổ đại thống nhất có qui mô lớn đã hình thành.
Ngoài khu vực Kinki là nơi tập trung những mộ cổ có qui mô lớn nhất, mộ cổ có qui mô lớn còn phân bố trên một phạm vi rộng từ Kyushu đến trung tâm đảo Honshu, đặc biệt là ở các vùng Keno (thuộc tỉnh Gunma, Tochigi ngày nay), Izumo (phía đông tỉnh Shimane), Kibi (thuộc tỉnh Okayama và Hiroshima), Hyuga (tỉnh Myazaki)... đây có thể là mộ của các thủ lĩnh, hào tộc địa phương.
Vào hậu kì văn hóa kofun, từ cuối thế kỉ V đến đầu thế kỉ VIII, mộ cổ đã phổ biến trên khắp đất nước Nhật Bản và có qui mô nhỏ dần, hình dáng cũng chuyển dần sang loại vuông hay tròn. Quan tài vẫn được chôn trong huyệt đá đặt ở đỉnh của gò mộ, nhưng do ảnh hưởng của cách mai táng du nhập từ lục địa, người ta không đào huyệt thẳng từ trên đỉnh gò xuống mà đào một đường đi ngang sườn gò dẫn vào huyệt. Ở nhiều nơi xuất hiện các quần thể gò mộ nhỏ hình tròn và được xác định là mộ của một dòng họ hay một gia đình, Như vậy, mộ cổ đã trở thành loại hình mai táng phổ biến đối với cả thường dân.
Các gò mộ cổ và di chỉ cư trú thời kofun cho thấy cư dân trên quần đảo Nhật Bản vẫn sống chủ yếu trong các ngôi nhà kiểu tateana hình vuông có hai mái. Một số gia đình có cùng dòng máu sống quây quần trong một khu vực thành xóm, nhiều xóm hợp thành làng. Trong các di chỉ tateana thời kì này, thay thế cho loại bếp lửa đốt ở giữa nhà, đã phổ biến loại bếp lò kamado đắp bằng đất đặt ở sát tường. Nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học Nhật Bản cho rằng việc sử dụng bếp lửa ở giữa nhà và loại đồ đựng sâu thành gắn liền với thói quen ăn củ, hạt bằng cách đun, luộc. Còn bếp lò và cùng với nó là loại nồi hấp koshiki gắn liền với kĩ thuật trồng lúa, thói quen hấp ngũ cốc, và ăn cơm.
Nhà kiểu Tateana
 
Do ảnh hưởng của văn hóa lục địa, các gia đình giàu có bắt đầu xây nhà trên mặt đất. Người ta đào óo chôn cột rồi cất nhà trên mặt đất hoặc nhà sàn, xung quanh đào hào thoát nước và dựng hàng rào bảo vệ. Đôi khi trong khuôn viên của các nhà khá giả có dựng nhà thờ cúng riêng.
Với những công vụ kim loại sắc bén, kĩ thuật canh tác nông nghiệp đã đạt trình độ phát triển cao. Người ta đã biết đào mương dẫn nước, để mở rộng diện tích canh tác ra những vùng xa nguồn nước. Kĩ thuật làm muối, dệt vải, chế tác kim loại cũng đã trở nên phổ biến.
Cùng với kĩ thuật canh tác, các nghi lễ gắn liền với sản xuất nông nghiệp cũng trở nên phổ biến như lễ Toshigoi matsuri cầu chúc mưa thuận gió hòa hay lễ Niiname sai cảm tạ thần thánh nhân ngày thu hoạch.
(Trích “Lịch sử Nhật Bản”, trang 35~38, Nguyễn Quốc Hùng, Đặng Xuân Kháng, Nguyễn Văn Kim và Phan Hải Linh)
 
Tìm hiểu lịch sử văn hoá Nhật Bản (phần 4)

Tìm hiểu lịch sử văn hoá Nhật Bản (phần 4)

Văn hóa sơ kì Heian
Mặc dù văn hóa Nhật Bản trong những năm đầu thời Heian về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Đường nên được gọi chung là văn hóa Đường phong, nhưng đây chính là thời kì các ảnh hưởng ngoại lai dần dung hợp với các yếu tố văn hóa bản địa để chuẩn bị cho sự ra đời của một nền văn hóa Nhật Bản đặc sắc.
Tìm hiểu lịch sử văn hóa Nhật Bản (phần 3)

Tìm hiểu lịch sử văn hóa Nhật Bản (phần 3)

Văn hóa Kofun (cuối thế kỉ III đến đầu thế kỉ VIII)
Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản - Ikebana

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản - Ikebana

Ikebana không chỉ là biểu hiện truyền thống văn hoá Nhật Bản mà còn là hệ thống các giá trị thẩm mỹ, triết học được đúc kết lại từ tinh hoa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trên đất nước mặt trời mọc.
Huy Anh CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT TRƯỜNG TRUNG CẤP QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG VIỆN QUỐC TẾ PHÁP NGỮ VOV2 HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY TRƯỜNG TIỂU HỌC, THCS VÀ THPT HỒNG ĐỨC LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA JF ACECOOK VAJA HEID NUI TRUC VIJACA dhnn thpt bac ha