Tìm hiểu lịch sử văn hoá Nhật Bản (phần 4)

Thứ Ba, 04/06/2024 10:08
Văn hóa sơ kì Heian
Mặc dù văn hóa Nhật Bản trong những năm đầu thời Heian về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Đường nên được gọi chung là văn hóa Đường phong, nhưng đây chính là thời kì các ảnh hưởng ngoại lai dần dung hợp với các yếu tố văn hóa bản địa để chuẩn bị cho sự ra đời của một nền văn hóa Nhật Bản đặc sắc.
Thời kì này văn học Hán vẫn được coi là một môn học quan trọng. Nhưng hệ thống các trường Đại học và Quốc học của nhà nước đã trở nên lạc hậu, thay vào đo các trường tư thục có cả thư viện và kí túc xá được giới quí tộc và các gia đình khá giả tín nhiệm gửi cho cháu theo học. Các trường này được gọi chung là Daigaku bessou (Đại học biệt tào). Các tập thơ chữ Hán được biên soạn ngày càng nhiều như Ryounshu (Lăng vân tập), Bunkashureishu (Văn hoa tú lệ tập), Keikokushu (Kinh quốc tập), Shoryushu (Tính linh tập)...
Các bộ chính sử cũng được tiếp tục biên soạn. Sau NihonshokiShoki Nihongi (Tục Nhật Bản kỉ, 797), Nihonkoki (Nhật Bản hậu kỉ, 841), Shoku Nihonkoki (Nhật Bản hậu kỉ, 869), Buntoku Tenno jitsuroku (Văn Đức Thiên hoàn thực lục, 879), Nihonsandai jitsuroku (Nhật Bản tam đại thực lục, 901). Đây được coi là 6 bộ Quốc sử lớn nhất thời cổ đại.
Đặc biệt đầu thời Heian, các tông phái Phật giáo mới được sự bảo hộ của triều đình đã phát triển nhanh chóng, trong đó phải kể đến hai tông phái Tendai (Thiên Đài) và Shingon (Chân Ngôn). Phái Tendai do Saicho (Tối Trừng) đưa vào Nhật Bản năm 805 sau 1 năm du học ở Trung Quốc trở về. Ông lập chùa Enryaku (Diên Lịch) và thực thi chế độ tu hành khổ hạnh (bế môn 12 năm trên núi). Trên cơ sở kết hợp tư tưởng bình đẳng tuyệt đối trong Pháp Hoa kinh của phái Tendai và tư tưởng của Mikkyo (Mật giáo) và Zenshu (Thiền tông), ông đã sáng tạo ra học thuyết riêng cho phái Thiên Thai của Nhật Bản. Tông phái của ông còn được gọi là Taimitsu (Đài mật) để phân biệt với phái Shingon được gọi là Tomitsu (Đông mật). Ông phê phán các tông phái cũ ở Nara và giới đàn Tiểu thừa, tuyên truyền cho giới đàn Đại thừa và đề nghị Thiên hoàn cho phép các chùa tự tiến hành thụ giới cho sư tăng.
Phái Shingon được Kukai truyền bá vào Nhật Bản sau khi về nước năm 806. Ở Trung Quốc, ông theo học Mật giáo tại chùa Thanh Long với nhà sư Huệ Quả. Năm 816, ông lập Kongobuji (Kim Cương phong tự), sau đó năm 823, ông lại lập Kyo o gokoku-ji (Giáo vương hộ quốc tự) hay còn gọi là Toji (Đông tự). Phái Shingon coi Đại Nhật kinh và Kim Cương kinh là Chân Ngôn của Đức Phật Thích Ca và cho rằng con người sẽ đạt được Ngộ, thoát mọi tai họa bằng cách niệm Chân ngôn và tay bắt dấu. So với phái Tendai, học thuyết của phái Shingon đơn giản, phù hợp với đông đảo dân chúng, thái độ với các giáo phái ở Nara cũng mang tính thỏa hiệp hơn nên tông phái này nhanh chóng được chấp nhận và trở thành một tông phái có thế lực thời Heian.
Lúc này ở Nhật Bản, quá trình dung hợp giữa Phật giáo và Thần đạo (Shinbutsu shugo), vốn đã bắt đầu từ cuối thời Nara, càng diễn ra mạnh mẽ. Đức Phật và các vị Bồ Tát được coi là hiện thân của các vị thần, trong khuôn viên của thần xá dựng thêm chùa gọi là jin-guji (thần cung tự), còn các chùa thờ thêm thần gọi là chinshujin (thần trấn thủ). Tiêu biểu là Todaiji coi Hachiman, vị thần nông nghiệp vùng Usa (Vũ Tá) ở Kyushu, là thần trấn thủ.
Mỹ thuật Phật giáo cũng chịu nhiều ảnh hưởng của Mật giáo. Thần Hachiman được thể hiện dưới hình dáng của một nhà sư (Sokeihachiman). Kĩ thuật điêu khắc ichiboku zukuri (nhất mộc tạo, tức tạc tượng trên một khúc gỗ) trở trên phổ biến. Các tác phẩm nổi tiếng là tượng Dược Sư Như Lai ở các chùa Shinyakushi (Tân Dược Sư), Genkou (Nguyên Hưng), tượng Thích Ca Như Lai của chùa Shigo (Thần Hộ), tranh Bất Động Minh Vương (sứ giải của Phật Tổ Như Lai) ở Myouoin (Minh Vương viện) trên núi Takano... là các tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật hội họa thời kì này. Nghệ thuật thư đạo được truyền vào từ Trung Quốc được triều đình và giới sư tăng cao cấp tiếp nhận hào hứng. Ba cây bút nổi tiếng thời kì này là Thiên hoàng Saga, nhà sư Kukai và Tachibana no Hayanari (Quất Mội Thế,?-842).
Văn hóa Quốc phong
Với việc dừng cử sứ sang nhà Đường (894), ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa lục địa vào Nhật Bản ngày càng giảm, trong khi đó ở Kyoto, một nền văn hóa quí tộc hào hoa mang phong cách Nhật Bản đã nhanh chóng hình thành và phát triển cùng với sự hưng thịnh của dòng họ Fujiwara. Vì vậy, người ta thường gọi nền văn hóa trung kì thời Heian là văn hóa Fujiwara hay văn hóa Kokufu (Quốc phòng).
Từ thế kỉ X, nền văn học chữ Hán vốn rất phát triển đầu thời Heian đã nhường chỗ cho một nền văn học mới được thể hiện bằng chữ Kana, loại chữ giản lược từ chữ Hán dùng để ghi âm Nhật. Loại chữ Kana đầu tiên xuất hiện từ thời Nara với tên gọi là Magana được sử dụng để diễn đạt tình cảm của người Nhật mà tiêu biểu là tập thơ Manyoshu. Đến thời Heian, bảng chữ Kana được hình thành gồm hai loại: chữ Hiragana do chữ Magana viết thảo giản lược hóa, được dùng nhiều trong văn học; và chữ Katakana là một bộ phận của chữ Magana giản lược hóa, được các nhà sư sử dụng khi sao chép và đọc kinh.
Năm 905, tập thơ Kokon Wakashu (Cổ kim Hòa ca tập, gồm 20 tập với hơn 1000 bài thơ viết bằng chữ Kana) được tuyển tập theo sắc lệnh của Thiên hoàng Daigo. Tập thơ này kết hợp được tình cảm trong sáng của Manyoshu và tính nghệ thuật cao của thơ chữ Hán. Năm 951, Thiên hoàng Murakami ban sắc lệnh biên tập bộ Gosen Wakashu (Hậu tuyển Hòa ca tập). Tiếp đó, năm 998, Thiên hoàng Ichijo cho biên tập bộ thơ Shui Wakashu (Thập di Hòa ca tập). Các tập thơ đã phản ánh rõ nét cuộc sống hào nhoáng của giới quí tộc Kyoto đương thời.
Một hình thể loại văn học khác vốn xuất hiện từ thế kỉ IX nhưng đã phát triển đến đỉnh cao thời Fujiwara là truyện kể monogataki. Tiêu biểu là Tiểu thuyết truyền kì Taketori (Trúc thủ), Truyện thơ Ise (Doãn thế), Truyện kể Genji (Nguyên thị). Đặc biệt Genji của Murasaki Shikibu (Tía Thức Bộ, ?-1016?) được coi là trường thiên tiểu thuyết cổ nhất, miêtu tả một cách sinh động cuộc sống và tình cảm của giới quí tộc cung đình Heian. Các thể loại nhật kí, tùy bút cũng xuất hiện với nhiều kiệt tác như Nhật kí vùng Tosa (Thổ Tá), Nhật kí của Murasaki Shikibu (Tía Thức Bộ), Tùy bút Makurasoushi (Chẩm tảo tử) của Sei Shounagon (Thanh tiểu nạp ngôn, XI)...
Cũng từ thời Heian, các tông phái Tendai, Shingon ngày càng quan hệ chặt chẽ với triều đình bằng cách tiến hành các nghi lễ qui y hay cầu nguyện cho Hoàng thất và quí tộc. Các nghi lễ này mang nặng mầu sắc của Mật tông và Đạo giáo. Việc xem Thiên văn, bói toán, kiêng cữ... trở nên phổ biến. Càng sống trong giàu sang, giới quí tộc Heian càng lo sơj bệnh tật, sợ bị trừng phạt sau khi chết và mong muốn được siêu thoát. Tâm lý này cũng rất phổ biến trong dân chúng vốn mất niềm tin vào triều đình và bị thiên tai, dịch bệnh hoành hành. Đây là điều kiện thuận lợi để một tông phái Phật giáo, vốn xuất hiện ở Nhật Bản từ thời Asuka, phát triển nhanh chóng vào thế kỉ X. Đó là phái Joudo (Tĩnh Thổ). Giáo phái này cho rằng nếu thành tâm niệm Phật Adiđà thì sẽ được Đức Phật từ bi cứu rỗi lên cõi Cực lạc. Người có công lớn trong việc tuyên truyền cho thuyết Joudo là Koya (Không dã, 903-972). Đặc biệt, ông rất tích cực truyền bá giáo thuyết này cho dân chúng nên còn được gọi là Ichi no hijiri (Thị Thánh). Cuối thế kỉ X xuất hiện cuốn Nihon ojo kyokurakki (Nhật Bản vãng sinh cực lạc kí, cuối thế kỉ X) của Yosshishige no Yasutane (Khánh Tư Bảo Dận, ?-1002) kể về cuộc đời và sự nghiệp của 45 người được lên cõi Cực lạc, trong đó có Thái tử Thánh Đức. Ngoài ra, phái Tendai cũng tinh ra cuốn sách tương tự có tên là Ojo Yoshu (Vãng sinh yếu tập) do nhà sư Ghenshin (Nguyên Tín, 942-1017) viết. Các cuốn sách này đã được các tầng lớp từ quí tộc đến thường dân yêu thích.
Tư tưởng của phái Joudo đã ảnh hưởng mạnh đến nghệ thuật Phật giáo thời Heian. Trước hết, trong kiến trúc của chùa, gian thờ Phật Adiđà được chú trọng hơn cả. Nhiều chùa đã xây các tòa thờ riêng gọi là Amida dou (A Di Đà đường). Tiêu biểu là Houou dou (Phượng Hoàng đường ở Byodo in (Bình Đẳng viện) do Fujiwara Yorimichi xây dựng. Kĩ thuật tạc tượng Phật cũng có những phát triển mới. Thay thế cho việc tạc cả bức tượng Phật cũng có những phát triển mới. Thay thế cho việc tạc cả bức tượng trên một cây gỗ, kĩ thuật phổ biến thời kì này là yoseki zukuri (kì mộc tạo), tức là ghép nhiều bộ phận tạc riêng thành bức tượng. Nổi tiếng nhất là hai bức tượng Adiđà Như Lai do Jochyo (Định Triêu, ?-1057) tạc đặt ở chùa Byodou và chùa Houkai (Pháp Giới). Đường nét của các bức tượng mềm mại, tinh xảo, thể hiện phong cách nghệ thuật riêng, thoát khỏi ảnh hưởng của tượng Triều Tiên, Trung Quốc. Các bức tranh vẽ cảnh đón chào Đức Phật Adiđà xuống cứu rỗi chúng sinh rất được ưa chuộng gọi là Amida no raigozu (A Di Đà lại nghênh đồ).
Một bước tiễn mới nữa của nghệ thuật thời kì này là hội họa theo trường phái Yamato-e (Đại Hòa hội) với các bức emaki và tranh trang trí trên fusuma, byoubu thể hiện phong cảnh và con người Nhật Bản. Nghệ thuật Thư đạo cũng được coi trọng với ba cây bút nổi tiếng là Ono no Tofu (Tiểu Dã Đạo Phong), Fujiwara Yukinari (Đằng Nguyên Hành Thành) và Fujiwara Sukemasa (Đằng Nguyên Tá Lý).
Văn hóa vật chất thời kì này cũng có nhiều biến đổi. Người Nhật lúc này ăn 2 bữa chính vào buối sáng và tối. Lương thực chính là gạo nếp. Tầng lớp sư tăng và quí tộc thường kiêng ăn thịt theo quan niệm Phật giáo. Nhà ở của dân chúng được xây theo kiểu hottate bashira gồm các cột chính được chôn xuống nền đất, mái lợp vò cây hay rơm, tường bằng giấy , tre, gỗ. Loại nhà tateana vẫn còn phổ biến ở vùng Đông bắc. Dinh thự của quí tộc được xây dựng theo kiểu shiden-zukuri (thẩm điện tạo). Trong đó, tòa nhà chính là thẩm điện (nhà ở của chủ) được lợp bằng vỏ cây, quay mặt về phía nam, nơi có hồ nước và vườn cảnh. Giữa hồ nước thường có đảo nhỏ được tạo nên bằng chính đất đào hồ. Các hành lang dài gọi là watari dono (độ điện) nối thẩm điện với các dãy nhà ngang ở phía đông, tây và bắc. Lúc đầu dinh thự kiểu này được bố trí đối xứng, nhưng từ giữa thời Heian cấu trúc không cân xứng trở nên phổ biến.
Kĩ thuật dệt, thêu và may đã phát triển. Thường dân nam giới mặc hitatare- một loại áo quấn ngắn; phụ nữ mặc hitoe-áo quấn 8 mảnh dài may một lớp. Trang phục của thường dân bằng vải gai hay lụa tho, còn tầng lớp quí tộc mặc tơ lụa hay gấm vóc. Quí tộc, quan lại lúc vào triều mặc sokutai-loại áo khoác dài chùm chân có đai rộng; lúc đi chơi mặc kariginu- áo khoác ngắn không tay bằng the. Phụ nữ quí tộc và cung nữ mặc kouchigi-áo khoác dài bằng gấm. Còn trong các nghi lễ lớn, họ mặc juuni hitoe-loại áo gồm 12 lớp phối hợp màu sắc và hoa văn lộng lẫy. Loại áo quấn dài gồm 8 mảnh phổ biến thời Heian chính là tiền thân của kimono sau này.
Hình thức kết hôn tsumadoi kon (nghĩa là chồng chỉ đến ở nhà vợ trong những thời gian nhất định) vẫn phổ biến, con cái thường được nuôi dạy ở nhà mẹ. Tuy nhiên, trong tầng lớp quí tộc vị trí của người phụ nữ đã bị hạn chế. Việc mai táng được tiến hành ở xa nơi cư trú.
Văn hóa cuối thời Heian
Cuối thời Heian, cùng với sự trưởng thành của tầng lớp võ vĩ và danh chủ, một trào lưu văn hóa mới đã xuất hiện và phát triển ở các địa phương bênh cạnh nền văn hóa quí tộc ở Kyoto: văn hóa bình dân. Biểu hiện rõ nét nhất của sự thay đổi này là trên lĩnh vực sân khấu. Nhiều nghi lễ nông nghiệp đã trở thành những lễ hội hay các màn biểu diễn được dân chúng ưa thích như dengaku (điền nhạc), saragaku (hầu nhạc). Thậm chí giới quí tộc cũng bị cuốn hút vào các buổi biểu diễn này.
Từ đầu thế kỉ XII, các truyền thuyết Phật giáo được biên tập lại trong tập Konjaku monogatari (Truyện kể xưa nay). Những câu chuyện lịch sử được ghi chép lại như Shomonki (Tướng môn kí), Mutsuwaki (ghi chép về truyện vùng Mutsu). Sự phồn vinh của dòng họ Fujiwara được ghi lại trong Eika monogatari (truyện kể vinh hoa), Ookagami (Đại kính)... Trong hội họa, các câu chuyện kể được diễn tả trên thể loại tranh cuốn gọi là emaki monogatari. Tiêu biểu là bộ tranh dựa theo tiểu thuyết Genji, hay Chojugiga (tranh kể chuyện chim thú).
Chiến loạn liên miên tạo điều kiện ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa các vùng khác nhau. Tín ngưỡng thờ Đức Phật Adiđà vốn xuất phát từ Kyoto đã trở nên phổ biến trong dân gian. Các chùa ở địa phương cũng bắt chước tự viện trung ương xây dựng điện thờ Phật Adiđà. Loại kiến trúc tự viện kiểu nhà ngang dài trở nên phổ biến. Tóm lại, cuối thời Heian, tầng lớp võ sĩ đã trở nên lớn mạnh và nắm quyền chủ động trên vũ đài chính trị, trong khi giới quí tốc triều đình tiếp tục cuộc sống xa hoa. Dòng họ Taira là dòng họ võ sĩ đầu tiên đã thành công trong chính giới và có ảnh hưởng mạnh mẽ ở miền Trung và Tây Nam Nhật Bản. Chính sách kinh tế, chính trị của dòng họ này vừa kế thừa chính sách của dòng họ. Nhiếp chính Fujiwara, vừa thể hiện đặc điểm của giới võ sĩ. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng thời gian dòng họ này nắm thực quyền là giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử Nhật Bản từ thời Cổ đại sang thời Trung thế.
 (Trích “Lịch sử Nhật Bản”, trang 91~94, 102~105, 115~118, Nguyễn Quốc Hùng, Đặng Xuân Kháng, Nguyễn Văn Kim và Phan Hải Linh)
 
Tìm hiểu lịch sử văn hoá Nhật Bản (phần 4)

Tìm hiểu lịch sử văn hoá Nhật Bản (phần 4)

Văn hóa sơ kì Heian
Mặc dù văn hóa Nhật Bản trong những năm đầu thời Heian về cơ bản vẫn chịu ảnh hưởng của văn hóa Đường nên được gọi chung là văn hóa Đường phong, nhưng đây chính là thời kì các ảnh hưởng ngoại lai dần dung hợp với các yếu tố văn hóa bản địa để chuẩn bị cho sự ra đời của một nền văn hóa Nhật Bản đặc sắc.
Tìm hiểu lịch sử văn hóa Nhật Bản (phần 3)

Tìm hiểu lịch sử văn hóa Nhật Bản (phần 3)

Văn hóa Kofun (cuối thế kỉ III đến đầu thế kỉ VIII)
Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản - Ikebana

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản - Ikebana

Ikebana không chỉ là biểu hiện truyền thống văn hoá Nhật Bản mà còn là hệ thống các giá trị thẩm mỹ, triết học được đúc kết lại từ tinh hoa nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống trên đất nước mặt trời mọc.
Huy Anh CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA - GIÁO DỤC QUỐC TẾ VIỆT TRƯỜNG TRUNG CẤP QUỐC TẾ ĐÔNG DƯƠNG VIỆN QUỐC TẾ PHÁP NGỮ VOV2 HỆ THỐNG GIÁO DỤC CHẤT LƯỢNG CAO NGUYỄN BỈNH KHIÊM - CẦU GIẤY TRƯỜNG TIỂU HỌC, THCS VÀ THPT HỒNG ĐỨC LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA JF ACECOOK VAJA HEID NUI TRUC VIJACA dhnn thpt bac ha