Chữ “Lễ” trong quan hệ thầy – trò
Thứ Sáu, 19/11/2021 02:38
Nền giáo dục phong kiến trước đây đã khẳng định ý nghĩa của việc học trước tiên không phải học chữ, học kiến thức, mà là học lễ nghĩa - học làm người: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trong phong tục và truyên thống xa xưa của dân tộc ta đã luôn coi trọng việc quan tâm đến người thầy, đề cao tình nghĩa thầy trò.
.jpg)
Khổng Tử có câu nói nổi tiếng “Tiên học lễ, hậu học văn”. Câu này đã làm nền tảng cho giáo dục nhiều nước Á Đông từ hàng ngàn năm nay. Khổng Tử cho rằng nếu như ai cũng có bổn phận “kính trên nhường dưới” thì xã hội sẽ không loạn lạc, gia đình sẽ không bất hòa. Nhưng ông cũng nhấn mạnh mối quan hệ hai chiều giữa các thứ, bậc với nhau, trên thuận thì dưới mới hòa. Bởi vậy, ông kêu gọi mọi người cần phải chính danh. Nghĩa là vua cho ra vua, tôi cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con. Tất cả mọi người, bất kể tuổi tác, địa vị xã hội đều phải lo tự giáo dục mình suốt đời. Đó là “Khắc kỷ phục lễ vi nhân” (Khổng Tử).
Ở phương Tây không có Khổng giáo ngự trị nhưng không phải là người ta không biết lễ. Cái lễ của họ được xây dựng trên cơ sở tôn trọng quyền cá nhân của mỗi con người. Đó là phép lịch sự trong quan hệ xã hội.
Thật là sai lầm khi nhiều người cho rằng với xã hội ngày nay, điều này không còn phù hợp nữa. Trong thực tế ngày nay, có nhiều người chỉ lo luyện tài mà xem nhẹ đức. Lúc học phổ thông thì lo học giỏi để thi vào đại học. Khi vào đại học thì chỉ biết rèn chuyên môn, không quan tâm tới các hoạt động xã hội và cũng chẳng coi ai ra gì. Ra trường, ôm bằng cấp đi xin việc với dáng vẻ nghênh ngang. Đó là hậu quả của việc thừa văn thiếu lễ. Một người có lễ thường có nhiều ưu thế trong xã hội. Họ kính trọng mọi người nên thường được xóm làng giúp đỡ, cấp dưới tín nhiệm, cấp trên thăng thưởng. Trong nhà trường, học sinh lễ phép thì được thầy cô ưu ái, ai cư xử hòa nhã với bạn bè thì được quý trọng. Đấy là cái lợi của việc văn và lễ hài hòa với nhau.
Học sinh tranh luận, chất vấn thầy giáo không bị xem là vô lễ. Một thầy giáo hiện đại là người biết “lấy học sinh làm trung tâm”. Mọi thành phần xã hội đều đối xử bình đẳng nhau theo đúng những phép tắc được quy định trong pháp luật. Tôn trọng luật pháp tức là tôn trọng chữ lễ.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, một mặt, chúng ta cần tiếp thu các yếu tố tiến bộ của nước ngoài; mặt khác cần tiếp tục phát huy có cải biến những yếu tố truyền thống nào thích hợp với thời đại mới. Lễ nghi của thời đại công nghiệp hóa không rườm rà, khắt khe như thời phong kiến, bởi vậy, ta không nhất thiết phải bê cả bộ kinh lễ của Khổng Tử ra ứng dụng. Để tiếp tục vận dụng câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”, người ta đã mở rộng nội hàm của chữ lễ, dùng nó để chỉ đạo đức nói chung. Thời nào cũng vậy, việc rèn luyện đạo đức trong trường học là rất quan trọng.
Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống hiếu học. Dù ở trong giai đoạn nào của đất nước, mọi người dân Việt đều coi trọng sự học, họ chăm lo cho con em mình được học hành thành người, thành tài, thành người có ích cho xã hội. Bởi vậy, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” luôn là một nét đẹp đáng được tôn kính, mang đậm tính nhân văn của văn hóa Việt Nam. Coi trọng việc học, kính trọng người thầy là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị nhân bản của việc học hành…
Đạo nghĩa (mối quan hệ thầy - trò hợp với đạo đức và lẽ phải) hay tình nghĩa thầy - trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý và bồi đắp. Người xưa đã từng dạy rằng: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nghĩa là, người dạy ta một chữ cũng là thầy, dạy nửa chữ cũng là thầy. Lời dạy ấy thật chí lý, thấm sâu, giúp cho người học (trò) nhận thức rõ hơn về tình nghĩa thầy trò để thể hiện thái độ tri ân, cung kính và khiêm nhưng đối với những người quan tâm chỉ dạy mình.
Từ xa xưa ông cha ta đã đúc rút thành quan niệm và trở thành đạo lý “Lương sư hưng quốc” - Một xã hội muốn hưng thịnh, muốn phát triển thì phải coi trọng người thầy, coi trọng sự học. Đó là cái gốc để làm nên sự phát triển bền vững của đất nước. Đạo lý ấy được người xưa gửi gắm trong câu ca dao truyền tụng từ bao đời nay: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Người thầy được xã hội kính trọng, bởi họ luôn dạy học trò phải tự soi mình để mà rèn luyện bản thân. Thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho trò để mỗi người khi thành đạt trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài. Trong mối quan hệ thầy - trò, thầy luôn đặt ra yêu cầu cao đối với học trò như phải biết lễ nghĩa, thưa gửi khi gặp thầy, phải giữ chữ tín, đi đứng phải đúng mực, phải biết cách ứng xử trong gia đình, bạn bè và xã hội; là cách đối nhân xử thế sao cho đúng nghĩa là người có học... Một hình ảnh, một cử chỉ thật đẹp của trò chào thầy khi gặp thầy giữa đường hay ở sân trường: trò đứng nghiêm lễ phép, bỏ mũ đang đội trên đầu rồi cúi đầu chào thầy. Như thế mới giữ đúng đạo làm trò. Rất tiếc, những hình ảnh, những nét đẹp như vậy nay đã bị mai một.
Đạo nghĩa hay mối quan hệ thầy và trò không chỉ trong xã hội xưa, mà ngay những năm 60 - 70 của thế kỷ trước hầu như không bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực của xã hội mà xuất phát từ những triết lý giáo dục. Từ lời dạy, lễ nghĩa, cử chỉ, hành động của thầy đối với trò đều mang tính giáo dục. Thậm chí sự trách phạt của thầy cũng mang hàm lượng giáo dục cao. Bởi vậy, thầy là người luôn giữ phẩm chất cao đẹp, trong sáng, không đòi hỏi hay ép buộc trò, gia đình học trò phải cung phụng, biếu xén bất cứ thứ gì; thầy cô giáo luôn lấy giáo dục làm đầu và luôn coi sự thành đạt của trò là uy tín, tài năng đức độ của thầy. Nói điều này, tin rằng thế hệ học trò nay tuổi đã ngoài 60 đều cảm nhận được rất rõ.
Các thế hệ học trò thuở trước đến hôm nay nhiều người vẫn cảm nhận rất sâu đậm là được thụ hưởng sự giáo dục, rèn luyện của thầy cô trên cả các mặt đức, trí, thể, mỹ bằng những kiến thức không chỉ về phương pháp giảng dạy mà cả những kiến thức về khoa học giáo dục của thầy được đào tạo và vốn sống được tích lũy trong cuộc sống với đúng nghĩa “đạo làm thầy” - lương tâm, trách nhiệm người thầy đã được xã hội giao phó. Xúc động, tự hào về đạo nghĩa thầy trò ấy, tôi lại thấy chạnh lòng nghĩ đến đạo nghĩa thầy trò hiện nay...
Nhiều thầy cô giáo đều thừa nhận, những năm cuối thế kỷ trước và những năm đầu thế kỷ này, khi mà nước ta bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì đạo nghĩa hay nói cụ thể hơn là mối quan hệ thầy trò cũng có nhiều biến đổi, mang một màu sắc mới trên nền tảng của những giá trị nhân văn từ truyền thống, theo xu hướng gần gũi hơn, bình đẳng, thân thiện hơn. Đạo nghĩa thầy và trò không còn bị chi phối bởi những giáo lý nghiêm ngặt như nền giáo dục trong xã hội phong kiến trước đây mà có phần được giảm nhẹ, giản hóa những quy định về lễ nghĩa... Tuy nhiên, cũng đã, đang xuất hiện không ít những biểu hiện, những hành động về sự xuống cấp nghiêm trọng của mối quan hệ thầy trò, như: Thầy đánh trò, xâm hại tình dục trò, dùng “điểm đổi tình”; trò cãi thầy giữa lớp học, giảng đường, trò đánh thầy; gia đình học trò đánh, chửi rủa thầy cô giáo hoặc dùng tiền hay những món quà vật chất khác biếu xén thầy để mong thầy nương nhẹ, giúp đỡ con em mình... Những câu chuyện, vụ việc nêu trên tuy không nhiều nhưng đã làm xấu đi hình ảnh người thầy “đạo cao đức trọng”; “đạo làm thầy” và “đạo làm trò”, khiến cho xã hội không khỏi băn khoăn, trăn trở về nền giáo dục - một lĩnh vực đặc biệt của xã hội là dạy người, đào tạo người.
Hiện nay, khi mà công nghệ thông tin đang phát triển nhanh, thời của công nghệ 4.0, Internet trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại thì việc dạy và học của thầy - trò cũng có những thay đổi (trong lĩnh vực giáo dục gọi là sự đổi mới phương pháp giảng dạy), nhất là phương pháp giảng dạy ở bậc đại học, cao đẳng. Người thầy giờ đóng vai trò trợ giúp và hướng dẫn học sinh, sinh viên cách tiếp cận nguồn tri thức. Thế nên, mối quan hệ thầy - trò cũng trở nên cởi mở, gần gũi, thân thiện hơn. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp nhiều học sinh, sinh viên đã vượt quá giới hạn, không hiểu thấu đáo việc dân chủ, tự do trong học tập và trong mối quan hệ thầy - trò không có nghĩa là bỏ đi (thay đổi) lễ nghĩa của trò dành cho thầy. Lễ nghĩa ấy chính là sự kính trọng và tôn trọng lẫn nhau, mà mỗi trò đều được học ngày đầu tiên khi bước vào môi trường học là phải học lễ nghĩa:“Tiên học lễ, hậu học văn”. Và ngược lại, người thấy cũng phải luôn chuẩn mực, ứng xử đúng đạo đức người thầy để xứng đáng với sự tôn trọng của trò.
Dù xã hội có phát triển đến đâu thì trong tâm tưởng của người Việt Nam, đạo lý “tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là nền tảng của mọi giá trị đạo đức. Vị trí, vai trò của người thầy vẫn luôn được kính trọng, quý mến. Nghề giáo trong tâm tưởng của người Việt, vẫn luôn được coi là nghề cao quý. Như Bác Hồ đã nói: “Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Trò luôn giữ đúng đạo làm trò để trở thành những con ngoan, trò giỏi, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Vì thế, những hiện tượng tiêu cực trong quan hệ thầy - trò hiện nay cần được chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm khắc để đạo nghĩa thầy - trò luôn là chuẩn mực đạo đức trong xã hội, luôn là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam ta.
(Tổng hợp từ: giaoducvn.com.vn; nld.com.vn;baotuyengquang.com.vn)
Câu chuyện thiếu trường công chỉ là hệ lụy dễ thấy của chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Việt Nam khởi xướng gần 30 năm trước.
Giáo dục của nước ta hiện nay vẫn bám vào cái triết lý “tạo ra con người mới xã hội chủ nghĩa”, dù chả biết cái con người ấy có đặc điểm gì, trong khi nền kinh tế đã chuyển sang mô hình thị trường, dựa trên kinh tế đa thành phần và hội nhập vào thế giới.
Ngô Tự Lập (Critiquing the Promotion of American Biased “Liberal Arts Education” in Post- “Đổi Mới” Vietnam)
Chị là PGS.TS Ngô Minh Thủy Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Văn hóa, Ngôn ngữ và Giáo dục (CLEF), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời là Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản (Vietnam Association of Japan Alumni -VAJA)
Chất lượng giáo dục gần đây trở thành một đề tài tranh luận thường xuyên. Tuy nhiên, có một câu hỏi đơn giản cần được trả lời rốt ráo: Thế nào là một nền giáo dục tốt?
Một người Việt Nam lần đầu tiên tìm hiểu nền giáo dục Mỹ chắc chắn ngỡ ngàng và cảm thấy có nhiều chuyện ngược đời. Dưới đây tôi xin kể năm trong số đó.